Theo kênh CNN, đêm 28/10, Đức và Pháp đều đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc mới trong 4 tuần. Trước đó, CH Séc và Ireland đã áp đặt hạn chế trên toàn quốc từ đầu tháng. Tây Ban Nha và Anh có thể là hai nước tiếp theo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các biện pháp cục bộ áp đặt lên một số thành phố lớn như Paris trong vài tuần qua đã không còn hiệu quả và cần phải phong tỏa toàn quốc. Theo quy định mới, người dân sẽ chỉ được rời nhà để làm việc, đi học, gặp bác sĩ, chăm sóc họ hàng, mua sắm nhu yếu phẩm và tập thể dục. Các doanh nghiệp không thiết yếu, nhà hàng và quán bar sẽ bị đóng cửa. Như hồi mùa xuân, người dân sẽ cần giấy phép để ra ngoài.
Thông báo của ông Macron được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Đức cũng từ bỏ chiến lược phong tỏa các điểm nóng và áp dụng lệnh ở nhà trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 2/11. Trước đó, Đức đã phong tỏa khu vực ở các thành phố lớn như Frankfurt, Berlin và Stuttgart và một phần bang Bavaria nhưng không thể ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết người dân Đức được khuyến cáo ở trong nhà, tránh đi lại và hạn chế tiếp xúc tới mức tối thiểu. Bà nói: “Sẽ chỉ cho phép giao tiếp xã hội giữa hai hộ gia đình ở nơi công cộng”.
Giáo sư Igor Rudan, Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng và Giám đốc Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới tại Đại học Edinburgh, cho rằng các biện pháp áp dụng khắp châu Âu suốt hai tháng qua rõ ràng là không đủ để ngăn chặn dịch bệnh.
Dù quyết định của Pháp và Đức cho thấy hai nước thừa nhận rằng nỗ lực kiềm chế bùng phát dịch hiện nay đã không còn hiệu quả, nhưng một số quốc gia châu Âu vẫn phản đối phong tỏa toàn quốc cho dù ca mắc COVID-19 tăng vọt.
Các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London ngày 29/10 cảnh báo rằng cách tiếp cận ba lớp hiện nay của chính phủ Anh trong chống dịch không có tác dụng. Họ thấy rằng số ca dương tính với COVID-19 ở vùng England gấp đôi cứ sau 9 ngày và cảnh báo cần áp dụng biện pháp mạnh tay hơn để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh.
Dựa theo phân tích gần 86.000 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, nhóm Đại học Hoàng gia London ước tính có 96.000 đang mắc COVID-19 ở England mỗi ngày, cao hơn 5 lần con số chính thức hàng ngày.
Giáo sư Paul Elliott nói: “Chúng tôi thấy số ca mắc gia tăng trên toàn quốc và chúng tôi biết sẽ có nhiều người nhập viện và mất mạng. Giờ là lúc hơn bao giờ hết ta phải phối hợp để ngăn chặn virus lây lan và tránh quá tải dịch vụ y tế”.
Chính phủ Anh tới nay vẫn từ chối phong tỏa toàn quốc lần nữa. Phát biểu trên đài BBC ngày 29/10, một bộ trưởng cho rằng không phải là không thể tránh khỏi kịch bản phong tỏa toàn quốc và nói thêm rằng chính phủ chỉ muốn hành động ở nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất.
Các biện pháp phòng dịch mới đang có hiệu lực ở nhiều nước châu Âu cho dù làn sóng phản đối phong tỏa đang gia tăng khắp châu lục. Italy, Đức, CH Séc và Anh đều xảy ra biểu tình, đôi khi là biểu tình bạo lực, trong những tuần gần đây.
Việc một số người cảm thấy tức giận và mệt mỏi cũng là một lý do khác giải thích tại sao các biện pháp phong tỏa cục bộ ở châu Âu lại thất bại. Các nhà khoa học ngay từ đầu đã nói rằng nếu muốn các biện pháp cục bộ có hiệu quả thì mọi người đều phải thực hiện, giới chức y tế phải vào cuộc nhanh chóng và người dân phải tôn trọng lệnh phong tỏa, không coi thường rủi ro dịch bệnh.
Đó cũng chính là điều mà Thủ tướng Đức Merkel đã nhấn mạnh khi thông báo biện pháp phong tỏa mới: “Những lời nói dối, thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, sự thù hận không chỉ hủy hoại cuộc thảo luận dân chủ mà còn cả cuộc chiến chống virus”.