Khủng bố - mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc

Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào ga tàu hỏa Côn Minh hồi tháng 3/2014, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và ba thế lực: li khai dân tộc, khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo chính thức khai màn.

 

Tình hình chống khủng bố ở Trung Quốc đột nhiên trở nên nóng bỏng với sự bùng phát của hàng loạt vụ tấn công khủng bố gần đây, gồm vụ nổ nhà ga xe lửa ở Tân Cương ngày 30/4, vụ chém người dã man ở nhà ga xe lửa Quảng Châu hôm 6/5 và vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng tại khu chợ gần công viên trong thủ phủ của khu tự trị Tân Cương sáng 22/5. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu An ninh và Kiểm soát Quân bị thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc đồng thời là chuyên gia chống khủng bố, ông Lý Vĩ, khủng bố đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh dấy lên “chiến tranh nhân dân chống khủng bố” cho thấy công tác chống khủng bố đã được nâng lên tầm cao chưa từng có.

 

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Tân Cương ngày 23/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Trả lời phỏng vấn của tờ “Kinh tế Nhật báo” (Hong Kong) ngày 9/6, ông Lý Vĩ cho biết gần một năm lại đây, những sự kiện khủng bố bạo lực rõ ràng đã xảy ra với tần suất cao ở Trung Quốc, đặc điểm, thủ đoạn và phạm vi gây án cũng có sự thay đổi lớn so với những năm 1990. Trước đây, ở Trung Quốc rất ít khi xảy ra tấn công kiểu tự sát, nhưng hiện nay những vụ tấn công giống với phương thức mà các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và Taliban thường xuyên sử dụng xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Bên cạnh đó, mục tiêu và phạm vi tấn công khủng bố cũng được mở rộng. Trước đây, mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố phần lớn là nhằm vào lực lượng đảm bảo duy trì ổn định, hiện nay đã chuyển sang thường dân vô tội với thủ đoạn tấn công tàn nhẫn hơn, chuyển từ sử dụng dao để chém người sang dùng bom sát thương. Tất cả đã khiến cho việc phòng chống khủng bố trở nên khó khăn hơn và cho thấy tình hình chống khủng bố ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, ác liệt hơn.


Theo ông Lý Vĩ, căn nguyên khiến tình hình khủng bố phát triển nhanh chóng trong 1-2 năm trở lại đây là các phần tử khủng bố đã có sự thay đổi căn bản về hình thái ý thức. Trước đây, thế lực khủng bố phần lớn lấy li khai dân tộc làm tư tưởng hạt nhân, nhưng hiện nay đã chuyển thành chủ nghĩa cực đoan “tôn giáo xây dựng đất nước”, mưu đồ xây dựng nhà nước “hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo”. Dưới sự tác động của hình thái ý thức mới này, từ những năm 1990, các phần tử khủng bố đã bắt đầu tiến hành giáo dục “tẩy não”, truyền bá tư tưởng cực đoan đối với thanh thiếu niên, thậm chí là trẻ em nhi đồng.

Mấy năm lại đây, lớp người thuộc thế hệ 8X, 9X này lớn lên, trở thành lực lượng gây án chủ lực của các vụ tấn công khủng bố kiểu mới. Tuy số lượng vụ tấn công khủng bố và số người tham gia tấn công khủng bố phá hoại ổn định xã hội tương đối ít, nhưng do mức độ ác liệt rất lớn, một khi xảy ra dù một vụ cũng gây ảnh hưởng và nỗi lo sợ rất lớn trong xã hội, cho nên đã trở thành mối đe dọa và thách thức lớn nhất đối với ổn định xã hội Trung Quốc hiện nay. Chống khủng bố cũng trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong công tác duy trì ổn định của Trung Quốc.


Trên thực tế, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố sáng 22/5, Bắc Kinh lập tức mở chiến dịch tấn công chống khủng bố trong thời gian một năm ở Tân Cương, yêu cầu quan chức Tân Cương phải “sử dụng biện pháp đặc biệt siêu cứng rắn, vượt qua thông thường” để “hình thành hợp lực chỉnh thể, mạnh tay, tung cú đấm uy lực chống khủng bố duy trì ổn định”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng liên tục phát biểu nhấn mạnh tới việc chống khủng bố duy trì ổn định, yêu cầu “kiên quyết ngăn chặn hoạt động khủng bố bạo lực xảy ra nhiều, xảy ra với tần suất cao, kiên quyết phòng chống hoạt động khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo phát triển lan rộng vào nội địa”.


Liên quan tới vấn đề này, ông Lý Vĩ cho biết thêm sau khi lên nắm quyền, ban lãnh đạo khóa mới đã biểu thị rõ ràng hơn quyết tâm tấn công thế lực khủng bố và đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương. Việc này cho thấy Trung ương đã có thiết kế thượng tầng chống khủng bố và bảo vệ an ninh quốc gia. Nhìn vào việc Trung ương gần đây liên tục biểu thị thái độ chống khủng bố, các địa phương triển khai một loạt biện pháp như bắt giữ phần tử khủng bố, diễn tập chống khủng bố… có thể thấy Trung Quốc đang tiến hành tổng động viên toàn quốc chống khủng bố từ Trung ương tới địa phương.


Nói cách khác, cuộc “chiến tranh nhân dân chống khủng bố” đã được khai màn ở Trung Quốc. Cuộc “chiến tranh nhân dân chống khủng bố” này không chỉ nhấn mạnh tới sự đối kháng “không dung thứ” giữa lực lượng duy trì ổn định và thế lực khủng bố, mà còn muốn phổ cập sức mạnh chống khủng bố vào trong cuộc sống, ra ngoài đường phố nhằm tránh tấn công khủng bố có thể xảy ra tại bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục ở Tân Cương, loại trừ ảnh hưởng của thế lực khủng bố “Đông Turkestan”, giải quyết mâu thuẫn tầng sâu, xóa bỏ mảnh đất nuôi dưỡng thế lực khủng bố cũng đều là nhiệm vụ quan trọng của công tác chống khủng bố duy trì ổn định trong tương lai.


Hà Ngọc

Cộng đồng tại Anh tiếp tục phản đối Trung Quốc
Cộng đồng tại Anh tiếp tục phản đối Trung Quốc

Đây là cuộc mít-tinh lần thứ hai của cộng đồng người Việt Nam tại Anh phản đối chính sách bá quyền và các hành vi bất chấp luật pháp của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN