Bên ngoài Tòa án tối cao Maldives ở Male ngày 7/2. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trước đó, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày đã được ban bố từ ngày 5/2, sau khi Tòa án Tối cao bất ngờ ra phán quyết trả tự do cho các thủ lĩnh đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb. Tòa cho rằng các cựu quan chức trên cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng. Tuy nhiên, sau khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, tòa đã phải hủy phán quyết của mình.
Tổng thống Yameen đã ra lệnh bắt giữ Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed, thẩm phán Ali Hameed và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Theo kế hoạch, Maldives sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới.
Trong một phản ứng, Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ hy vọng Maldives đảm bảo tiến trình chính trị được khôi phục và có hiệu quả ngay lập tức. Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn thông cáo báo chí chính thức của bộ trên lưu ý rằng "các thể chế dân chủ" của Maldives, bao gồm cả hệ thống tư pháp, "nên được phép hoạt động độc lập, công bằng và minh bạch theo Hiến pháp". Bộ trên cũng nhấn mạnh điều quan trọng là Maldives cần nhanh chóng quay lại con đường dân chủ và pháp quyền để đáp ứng nguyện vọng của người dân nước này và xoa dịu sự quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, cơ quan nghị viện của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) cũng kêu gọi khôi phục nền dân chủ tại quốc đảo du lịch này. Trong bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Maldives (Majlis) Abdulla Maseeh Mohamed, Chủ tịch hội các nghị sỹ SAARC Karu Jayasuriya đã kêu gọi "tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại" nhằm đảm bảo vai trò của cơ quan lập pháp và các nghị sỹ có thể thực thi quyền hạn của mình theo hiến pháp cũng như đảm bảo cho người dân Maldives rằng các cuộc bầu cử là tự do và công bằng dựa trên các quyền tự do cơ bản, dân chủ, an ninh, ổn định và thịnh vượng được đảm bảo.