Khủng hoảng Eurozone qua giai đoạn tồi tệ nhất ?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2013 tại Davos (Thụy Sĩ) được đánh dấu bởi tinh thần lạc quan một cách thận trọng, khi dấy lên câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (Eurozone) đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng các thị trường tài chính trong thời gian gần đây đang dần ổn định trở lại, còn Thủ tướng Italia Mario Monti phát biểu: WEF năm nay hoàn toàn khác với bối cảnh năm ngoái khi hội nghị bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng châu Âu và nỗi lo Hy Lạp có thể phải rời khỏi Eurozone.

Eurozone đã qua giai đoạn khủng hoảng nhất? Ảnh: Internet.



Tâm lý lạc quan về sự tồn tại của đồng euro có vẻ chiếm ưu thế, song những số liệu mới nhất về GDP của Tây Ban Nha lại một lần nữa nhắc nhở nguy cơ tiềm tàng về tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế trong châu lục. Trong quý IV/2012, GDP của nước này lại giảm thêm 0,6% và là quý giảm thứ 5 liên tiếp. Nền kinh tế Tây Ban Nha hiện giảm hơn 6% so với thời điểm trước khủng hoảng và đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ mùa Xuân năm 2009.

Tuy nhiên, cách tiếp cận cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng châu Âu đã có sự thay đổi khá rõ kể từ mùa Hè năm ngoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết đứng đằng sau để hỗ trợ các chính phủ Eurozone đang gặp khó khăn.

Davos 2013 dường như không có ý định giải quyết cuộc tranh luận này, trong khi những người lạc quan tin tưởng rằng tuy Tây Ban Nha là một vấn đề song cuộc khủng hoảng Eurozone chuyển sang giai đoạn dịu hơn.

Axel Weber, người đứng đầu tập đoàn ngân hàng Thụy Sĩ UBS và cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Đức, nói: "Nền kinh tế đã có sự chuyển biến, hầu hết các thị trường có xu hướng đi lên ... còn các nền kinh tế chủ chốt đang hồi phục. Tuy nhiên, sự hồi phục vẫn chậm chạp và vấn đề thất nghiệp chưa thể sớm giải quyết."
Nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, đã cảnh báo những khó khăn của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone lại quay trở lại nếu các nhà điều hành không học được những bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Thủ tướng Medvedev cho biết tăng trưởng kinh tế của Nga đạt 3,5% trong năm ngoái và đặt mục tiêu tham vọng về thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ông Medvedev hy vọng vốn đầu tư sẽ tăng trung bình 10%/năm để giúp nước Nga đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng 5% mỗi năm. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, Nga đã cử một đoàn đại biểu đông nhất từ trước đến nay để đến tham dự hội nghị thường niên Davos 2013.

Trong ngày họp đầu tiên của WEF đã diễn ra cuộc tranh luận giữa Tổng thống Nigiêria, Tổng thống Nam Phi và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma khẳng định châu Phi đang phát triển và các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ nỗ lực cùng nhau phối hợp để giúp đưa châu lục này đi lên. "Lục địa đen" hiện đang là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trên thế giới sau khi duy trì mức tăng 5% trong hai năm qua, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Nigiêria cũng nhất trí rằng châu Phi không còn đơn độc, đồng thời khẳng định hầu hết các nước trong khu vực hiện tương đối ổn định vì vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể kinh doanh và đưa ra được những dự báo trong tương lai.

Sunil Bharti Mittal, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bharti Enterprises - tập đoàn điện thoại di động lớn nhất Ấn Độ có hoạt động sâu rộng ở châu Phi - thừa nhận: "Châu Phi đang chuyển động và đã có những sự thay đổi rất nhanh". IMF mới đây đã dự báo tăng trưởng kinh tế của châu lục này ước đạt 5% năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng 5,7% năm 2013, đặc biệt tăng trưởng mạnh ở các nước Gana, Bờ Biển Ngà, Nigiêria, Angôla và Gabông.

Tại WEF lần thứ 43 diễn ra trong 5 ngày liên tiếp với khoảng 250 cuộc họp và hội thảo này, các đại biểu sẽ thảo luận về một loạt vấn đề trong các lĩnh vực từ kinh tế, môi trường đến chính trị và xã hội. Diễn đàn năm nay với biểu ngữ “Năng động để thích ứng" nhằm tìm ra cách thức đưa nền kinh tế thế giới trở lại tăng trưởng bền vững, đồng thời cải thiện cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu để đối phó với những tình huống khẩn cấp như cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Giơnevơ)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN