Trong báo cáo mới nhất, UNDP nhận định cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng khắp các nền kinh tế đang phát triển và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Cơ quan này ước tính 54 nước, chiếm hơn 1/2 dân số nghèo nhất thế giới, cần được xóa nợ ngay lập tức để tránh rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực hơn nữa và tạo cơ hội cho họ đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Báo cáo của UNDP cũng kêu gọi điều chỉnh lại Khuôn khổ chung do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn đầu. Đây là kế hoạch được thiết kế nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính do đại dịch COVID-19 tái cơ cấu nợ. UNDP đề xuất mở rộng điều kiện lựa chọn của Khuôn khổ chung để tất cả nước mắc nợ nhiều có thể được hưởng lợi ích từ cơ chế này thay vì chỉ có 70 quốc gia nghèo nhất, cũng như đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ sẽ tự động bị đình chỉ trong quá trình này. Cơ quan này cũng khuyến nghị các chủ nợ phải có nghĩa vụ pháp lý hợp tác "một cách thiện chí" trong việc điều chỉnh lại Khuôn khổ chung, trong khi các quốc gia có thể đề nghị thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường nhằm khuyến khích các chủ nợ xóa nợ.
Trao đổi với báo giới, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đã kêu gọi một loạt biện pháp, bao gồm xóa nợ, tăng cường hỗ trợ cho nhiều nước hơn và thậm chí bổ sung các điều khoản đặc biệt vào các hợp đồng trái phiếu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh và tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để có thể sớm giải quyết các vấn đề trên. Ông cảnh báo nếu không tái cơ cấu nợ hiệu quả, tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng và sẽ không có các khoản đầu tư cần thiết để giúp các nước thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Cảnh báo trên được UNDP đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ nhóm họp tại thủ đô Washington của Mỹ trong tuần này. Cuộc họp diễn ra giữa lúc mối lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày một tăng cao và một loạt nước đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ, từ Sri Lanka và Pakistan cho đến Chad, Ethiopia và Zambia.