Theo hãng tin AFP, các chuyên gia cảnh báo trong một báo cáo quan trọng được công bố ngày 17/10 rằng nếu không hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nước, hơn một nửa sản lượng lương thực của thế giới có thể gặp rủi ro vào năm 2050.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu (GCEW) nêu rõ: "Gần 3 tỷ người và hơn một nửa sản lượng lương thực của thế giới hiện đang ở những khu vực mà tổng lượng nước dự trữ dự kiến sẽ giảm".
Báo cáo cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nước có thể khiến GDP trung bình của các nước có thu nhập cao giảm 8% vào năm 2050 và các nước có thu nhập thấp giảm tới 15%.
Báo cáo cho biết gián đoạn của chu trình nước có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Suy giảm kinh tế sẽ là hậu quả của thay đổi lượng mưa và nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, cùng với tổng lượng nước dự trữ giảm và tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh”.
Trước cuộc khủng hoảng này, báo cáo kêu gọi coi vòng tuần hoàn nước là “lợi ích chung toàn cầu” và cần chuyển đổi quản lý nước ở mọi cấp độ.
Báo cáo cho biết: "Chi phí phát sinh từ những hành động này rất nhỏ so với tác hại mà việc tiếp tục không hành động sẽ gây ra cho nền kinh tế và nhân loại".
Trong khi nước thường được coi là “món quà dồi dào của thiên nhiên”, nhưng báo cáo nhấn mạnh rằng nước rất khan hiếm và tốn kém để vận chuyển.
Báo cáo kêu gọi loại bỏ “các khoản trợ cấp có hại trong các ngành sử dụng nhiều nước hoặc chuyển hướng chúng sang các giải pháp tiết kiệm nước và cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho người nghèo và người dễ bị tổn thương”.
“Chúng ta phải kết hợp việc định giá nước với các khoản trợ cấp phù hợp”, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala, đồng chủ tịch của GCEW, cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Một đồng Chủ tịch GCEW khác, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, nhấn mạnh đến nhu cầu phải xem nước là vấn đề toàn cầu, phải “đổi mới và đầu tư” để giải quyết khủng hoảng và “ổn định chu trình thủy văn toàn cầu”.