Tình hình trở nên trầm trọng hơn do Hy Lạp đang phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài, với lượng mưa ít, thậm chí không có mưa trong nhiều tháng. Hơn nữa, biến đổi khí hậu cũng khiến cho nhiệt độ cao hơn và dẫn tới nguy cơ cháy rừng.
Ở Naxos, hồ chứa nước lớn nhất đã cạn kiệt, trong khi nước biển xâm nhập ở hạ lưu đã làm ô nhiễm các giếng tưới tiêu quan trọng cho nông nghiệp.
Nhà chức trách ở Naxos đã triển khai các thiết bị khử muối di động để giải quyết nhu cầu nước uống trước mắt của người dân và khách du lịch, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi họ tiếp tục phụ thuộc vào nước mặn từ các giếng bị ô nhiễm. Điều này đã dẫn đến thiệt hại mùa màng đáng kể, đặc biệt là ở ngành sản xuất khoai tây nổi tiếng ở Naxos.
Các cuộc khủng hoảng tương tự đang diễn ra trên đảo Karpathos phía Nam, nơi chính quyền đã áp đặt các hạn chế đối với việc bơm nước vào các bể bơi. Ở đảo Thasos phía Bắc, nhà chức trách cũng đang tìm kiếm một đơn vị khử muối để làm cho nước biển có thể uống được.
Các quan chức, nông dân và nhà khoa học Hy Lạp cảnh báo, căng thẳng về nguồn cung cấp nước đang trở nên nặng nề hơn, khi các hòn đảo của quốc gia châu Âu này chuẩn bị đón lượng khách du lịch mùa Hè kỷ lục.
Mỗi năm, Hy Lạp đón hàng triệu khách du lịch đến thăm và tận hưởng những địa điểm cổ kính, những bãi biển hoang sơ và làn nước trong xanh. Nhưng tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có nhiệt độ tăng cao hơn, lượng mưa thất thường và cháy rừng có thể đe dọa tới tương lai của động lực kinh tế lớn nhất quốc gia này.
Năm nay, Hy Lạp đã phải trải qua mùa Đông ấm nhất từng được ghi nhận, sau đó các đám cháy rừng bắt đầu sớm một cách bất thường, thậm chí ở một số ở khu vực thường có tuyết.
Các quốc gia trên khắp Địa Trung Hải, trong đó có Tây Ban Nha và Italy, đang nỗ lực tìm cách tăng cường trữ lượng nước thông qua quá trình khử muối. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các thiết bị do nhu cầu tăng vọt và những thách thức về hậu cần đã làm phức tạp thêm tình hình này.