Báo cáo của USCC chỉ ra rằng trong tháng 3, có 8,1 triệu việc làm bị "bỏ trống", dù cho thấy mức tăng 600.000 vị trí so với tháng 2. Tuy nhiên, số lao động hiện có trên mỗi công việc chỉ ở mức 50% so với mức trung bình quốc gia trong 20 năm qua và tỷ lệ này tiếp tục giảm.
Nhóm kinh doanh của USCC lưu ý rằng trong một số ngành, số lượng công nhân có sẵn ít hơn số công việc còn trống, chẳng hạn như giáo dục, dịch vụ y tế và cơ quan chính phủ. USCC nhấn mạnh: "Hơn 90% các phòng thương mại của các bang và địa phương cho biết tình trạng thiếu công nhân đang kìm hãm nền kinh tế của họ và hơn 90% các nhà kinh tế của hiệp hội ngành cho biết các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực của họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân đủ tiêu chuẩn cho các công việc".
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của USCC Suzanne Clark đánh giá tình trạng thiếu nhân công "đang trở nên tồi tệ hơn theo từng ngày". Theo một cuộc khảo sát của USCC được thực hiện vào tháng 5, có 90% các phòng thương mại địa phương và bang chỉ ra nguyên nhân về tình trạng thiếu nhân công khiến nền kinh tế trong khu vực của họ chậm lại và 67,3% cho biết các doanh nghiệp đang cảm thấy rất "khó khăn" trong việc tìm và thuê nhân công. USCC cũng chỉ ra một báo cáo việc làm tháng 4 không mấy khả quan từ Cục Thống kê Lao động, trong đó 266.000 việc làm được tạo ra, thấp hơn nhiều con số mà các nhà phân tích dự đoán là hơn 1 triệu.
USCC nhấn mạnh rằng ngay cả với 9,7 triệu người thất nghiệp vào đầu tháng 4, sự miễn cưỡng quay trở lại làm việc và lấp đầy các vị trí còn trống của người lao động là một lý do giải thích cho việc thiếu hiệu quả trong việc tạo ra việc làm. Theo USCC, các bang có tỷ lệ lao động trên mỗi công việc thấp nhất tại Mỹ hiện nay gồm South Dakota, Nebraska và Vermont. Cả 3 bang này đều có tỷ lệ dưới 1 lao động trên một công việc.