Khủng long “thả bom” làm Trái Đất ấm lên?

Các nhà khoa học Anh cho rằng loài khủng long khổng lồ có thể đã làm Trái Đất ấm lên với lượng khí chúng thải ra khi “xì hơi”.

 

Khủng long Apatosaurus là loài thải ra rất nhiều khí mêtan. Ảnh: Internet

 

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tính toán lượng khí mêtan mà khủng long thải ra. Khi so sánh với lượng hơi thải ra từ bò, họ ước tính toàn bộ bầy khủng long thời bấy giờ đã thải ra khoảng 520 triệu tấn khí mêtan hàng năm. Lượng khí này có thể là một nhân tố chính khiến khí hậu Trái Đất ấm lên cách đây 150 triệu năm.

 

Theo tiến sĩ David Wilkinson thuộc trường Đại học John Moore Liverpool, những loại vi khuẩn cực nhỏ sống trong ruột khủng long đã tạo ra khí mêtan. Mêtan là loại khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách hấp thu phóng xạ hồng ngoại từ Mặt Trời, lưu giữ nó trong khí quyển Trái Đất và làm cho nhiệt độ tăng.

 

Các nghiên cứu trước đó cho thấy Trái Đất tăng tới 10 độ C trong kỷ Đại trung sinh. Ngày nay, các nhà khoa học đều thừa nhận khí thải của gia súc góp phần lớn tăng lượng mêtan trên toàn cầu. Dựa vào điều đó, các nhà khoa học Anh đã dùng các số liệu hiện tại để ước tính xem loài khủng long tác động đến khí hậu Trái Đất như thế nào.

 

Tiến sĩ Wilkinson cho biết, cùng với các loài thú hoang dã, bò tạo ra khoảng 50 đến 100 triệu tấn khí thải/năm, trong khi ước tính khủng long thải ra khoảng 520 triệu tấn.

 

Ông cho rằng khủng long không phải là loài thải ra mêtan duy nhất thời bấy giờ. Do đó, lượng mêtan thải ra có thể cao hơn nhiều so với bây giờ.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN