Ngày 4/7, thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Ennahda cầm quyền ở Tunisia , ông Rachid Ghannouchi, tuyên bố rằng kịch bản Ai Cập sẽ không lặp lại ở Tunisia, song không phủ nhận tình hình ở Tunisia đang bị tác động bởi những gì đang xảy ra ở Ai Cập.
Ông Rachid Ghannouchi tuyên bố "kịch bản Ai Cập sẽ không lặp lại ở Tunisia". Ảnh: Internet
|
Ông Ghannouchi giải thích: "Ai Cập bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng Tunisai vì tình hình tương tự, nhưng hiện Tunisia đang ở một vị thế khác. Chúng tôi đưa ra những thỏa hiệp về hiến pháp để đại diện cho mọi người dân". Đảng cầm quyền Ennahda đã thỏa hiệp để tránh sự phân cực ý thức hệ và đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể cho chính phủ mới, giữa các lực lượng Hồi giáo và các xu thế hiện đại nên tránh được nguy cơ chia rẽ Tunisia.
Phát biểu của ông Ghannouchi được đưa ra sau khi một số nhà hoạt động Tunisia thông báo mở một chiến dịch nổi dậy (Tamarod) nhằm lật đổ Hội đồng lập hiến Tunisia, cơ quan đang trong quá trình soạn thảo bản hiến pháp mới cho nước này.
Cùng ngày, trong phản ứng công khai đầu tiên trước các sự kiện ở Cairo, đảng của tổng thống Tunisia đã lên án việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, coi đó là cú đòn giáng xuống nền dân chủ và nỗ lực khôi phục chế độ cũ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 4/7 đã ca ngợi sự chuyển tiếp dân chủ ở Tunisia như là một tấm gương cho toàn thế giới Arập, đồng thời cam kết ủng hộ quốc gia Bắc Phi này về cả mặt chính trị và kinh tế. Ông Hollande, người đang có chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Tunisia, nói rằng: "Điều đang diễn ra ở Tunisia là một sự quá độ có kiểm soát và được tổ chức".
Chuyến thăm của ông Hollande là một nỗ lực nhằm tái khởi động quan hệ với Tunisia, vốn căng thẳng do mối quan hệ gần gũi giữa người tiền nhiệm của ông Hollande với nhà độc tài Tunisia Zine Abidine Ben Ali bị phế truất tháng Giêng năm 2011.
T.N