Theo trang The Guardian (Anh), bệnh viện al-Shifa là một khu phức hợp rộng lớn nằm ở trung tâm Thành phố Gaza, gần với con đường huyết mạch Bắc - Nam chạy dọc bờ biển. Tel Aviv tin rằng lực lượng Hamas đặt phần lớn cơ sở hạ tầng hành chính tại đây - gồm một trung tâm chỉ huy với mạng lưới đường hầm lớn gần bệnh viện này. Cả hai bên đều quy trách nhiệm cho nhau trước thông tin cho rằng người chạy trốn khỏi bệnh viện bị bắn.
Trong đó, loại bỏ khả năng kiểm soát Gaza của Hamas là một trong những mục tiêu hàng đầu trong cuộc tấn công của Israel.
Giáo sư Kobi Michael, chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nhận định: “Trong cuộc chiến này, chúng ta phải loại bỏ Hamas để ngăn lực lượng này trở thành mối đe dọa quân sự hoặc chính phủ một lần nữa. Chúng ta không thể đối phó với lực lượng này bằng cách ném bom hay bắn súng. Điều đó đòi hỏi những yêu cầu khác, không liên quan đến các mục tiêu trước mắt của cuộc xung đột hiện nay. Ngay lúc này, chúng ta phải đối phó với cả thực thể quân sự lẫn chính trị”.
Tuy nhiên, dù đây là mục tiêu có ý nghĩa chiến lược với Israel, nhưng hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt ngoại giao. Ngày 12/11, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết Washington không mong muốn chứng kiến người dân vô tội bị cuốn vào cuộc chiến tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Gaza.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn: “Mỹ không muốn chứng kiến các cuộc đọ súng trong bệnh viện, nơi những người vô tội, những bệnh nhân đang được chăm sóc y tế, bị vướng vào làn đạn và chúng tôi đã tích cực tham vấn với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) về vấn đề này”.
Về phần mình, Israel khẳng định không nhắm mục tiêu vào các cơ sở y tế. Đồng thời, giới chức nước này cáo buộc Hamas sử dụng bệnh viện al-Shifa, nơi có 1.500 giường và khoảng 4.000 nhân viên, cùng những người đang cư trú trong đó làm lá chắn sống cho các boongke và đường hầm phức tạp bên dưới. Hamas đã bác bỏ tuyên bố trên.
Viết trên tờ Yedioth Ahronoth, nhà báo Avi Issacharoff nói rằng dù phải hứng chịu thương vong ngày càng tăng ở Gaza, thất bại quân sự lớn nhất trong lịch sử Israel đã trở thành một chiến dịch quân sự tương đối thành công. Tuy nhiên, ông cho hay: “Không thể bỏ qua thực tế rằng ngay trước mắt chúng ta, cuộc xung đột này đang trở thành một trong những thảm họa ngoại giao lớn nhất mà chúng ta từng biết đến”.
Các nhà hoạch định quân sự Israel nhận thức rõ rằng áp lực quốc tế đã ngăn chặn các cuộc tấn công và phản công của Israel trong loạt cuộc chiến trước đây.
Năm 1967 và cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, Lực lượng Phòng vệ Israel đã gấp rút giành được thắng lợi trong những giờ cuối cùng trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Năm 1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã nói với Thủ tướng Menachem Begin lúc bấy giờ rằng hãy ngừng pháo kích và ném bom dữ dội vào Beirut. Phe diều hâu của Israel đổ lỗi áp lực quốc tế đã tước đi chiến thắng cuối cùng của họ trước Tổ chức Giải phóng Palestine của nhà lãnh đạo Yasser Arafat.
Còn trong cuộc xung đột hiện nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy Chính phủ Israel hiện tại sẽ nhượng bộ trước những lời kêu gọi của các đồng minh. Ngày 12/11, ông Munir al-Boursh, phó lãnh đạo Cơ quan Y tế do Hamas điều hành, cáo buộc Israel đã triển khai các tay súng bắn tỉa xung quanh bệnh viện al-Shifa, tấn công mọi chuyển động bên trong toà nhà. Ông nói thêm rằng các cuộc không kích đã phá hủy một số ngôi nhà cạnh bệnh viện, khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một bác sĩ.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel đã cung cấp nhiên liệu cho bệnh viện al-Shifa ở Gaza, nơi đã ngừng hoạt động trong cuộc giao tranh ác liệt với Hamas, nhưng nhóm chiến binh này đã từ chối nhận. Quân đội Israel cho biết họ đã mở một hành lang an toàn để người dân sơ tán từ Shifa đến miền nam Gaza. Tuy nhiên, những người trú ẩn trong bệnh viện cho biết họ không dám ra ngoài.
Cơ quan Y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết vẫn còn 1.500 bệnh nhân trong bệnh viện, cùng số lượng lớn nhân viên y tế. Hàng nghìn người đã chạy trốn khỏi Shifa và các bệnh viện khác, nhưng các bác sĩ cho biết mọi người đều không thể thoát ra ngoài. Họ nói nhiều thi thể nằm la liệt trên đường phố quanh đó.
Vào tuần trước, Trung tá Richard Hecht, người phát ngôn của IDF, giải thích rằng quân đội Israel không nhắm vào các bệnh viện. Sau đó, ông nói thêm: “Nhưng nếu chúng tôi nhìn thấy một kẻ khủng bố Hamas, chúng tôi sẽ giết hắn”.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) ngày 12/11, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ cực kỳ lo lắng trước tình hình ở bệnh viện al-Shifa.
Ông cho biết WHO đã mất liên lạc với các nhân viên của mình tại bệnh viện, trong bối cảnh có những thông tin kinh hoàng về việc bệnh viện phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục.
“Có thông tin nói rằng một số người trốn khỏi bệnh viện đã bị bắn, bị thương hoặc thiệt mạng. Các thông tin mới nhất cho hay bệnh viện bị bao vây bởi xe tăng”, ông Tedros viết.
WHO quan ngại sâu sắc về sự an toàn của nhân viên y tế, hàng trăm bệnh nhân bị bệnh và bị thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh cần hỗ trợ sự sống và những người phải sơ tán vẫn còn trong bệnh viện.
“WHO một lần nữa kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza, là cách duy nhất để cứu người và giảm mức độ đau khổ khủng khiếp.
WHO cũng kêu gọi việc sơ tán y tế bền vững, có trật tự, không bị cản trở và an toàn đối với những bệnh nhân bị thương và bệnh nặng. “Tất cả các con tin phải được chăm sóc y tế thích hợp và được thả ra vô điều kiện”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
Trong diễn biến khác liên quan, người phát ngôn của Cơ quan Y tế Gaza xác nhận mọi hoạt động của bệnh viện al-Shifa đã bị tạm ngừng từ ngày 12/11 do hết nhiên liệu. Điều này càng khiến người ta lo ngại về số phận của những bệnh nhân tại đây, trong đó có trẻ em.
Israel trước đó đã thông báo sẽ hỗ trợ sơ tán trẻ em khỏi bệnh viện đến nơi an toàn hơn. Tuy nhiên chưa rõ việc sơ tán sẽ diễn ra khi nào, trong bối cảnh máy thở và nhiều thiết bị y tế khác đã “đắp chiếu” vì không có điện.