Tính đến nay, hơn 3,5 triệu dân trên thế giới mắc COVID-19 với hơn 250.000 người tử vong. Một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh là những khu nhà ổ chuột lụp xụp, nơi người dân định cư trái phép, sống chen chúc chật chội, có ít hoặc không có nước sinh hoạt và thiếu hệ thống thoát nước.
Giám đốc Công ty Truyền thông và liên lạc Geospatial, một công ty công nghệ ở Ấn Độ, Megha Datta cho biết chính quyền thành phố gặp khó khăn hơn trong công tác truy dấu sự lây lan của dịch COVID-19 cũng như xác định đối tượng có nguy cơ lây nhiễm do có số liệu ít ỏi về các khu ổ chuột này. Bà nhấn mạnh: "Việc tiếp cận tới các địa điểm chính xác đóng vai trò quan trọng trong đối phó hiệu quả với dịch bệnh và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm... Tuy nhiên, các dụng cụ định vị không áp dụng được tại các khu nhà ổ chuột do các khu này không được vẽ lên bản đồ. Mô hình phức tạp và lộn xộn của các khu nhà ổ chuột cũng khiến việc thu thập được dữ liệu chính xác qua các phương pháp tiêu chuẩn trở nên khó khăn".
Theo Liên hợp quốc, khoảng 1/3 dân số đô thị trên thế giới đang sinh sống trong các khu trái phép, được cho là chiếm khoảng 30-60% khu sinh sống trong các thành phố, song con số thực tế có thể còn cao hơn.
Việc xác định và theo dõi các khu nhà ổ chuột bằng các biện pháp truyền thống như đến từng nhà khảo sát gây tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính quyền nhiều thành phố trên thế giới từ Rio de Janeiro tới Mumbai đang sử dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh và thiết bị bay không người lái để xác định và giám sát các khu này. Hiện một công cụ vẽ bản đồ của Ngân hàng Thế giới (WB) sử dụng trí tuệ nhân tạo, vệ tinh và hình ảnh ba chiều đang giúp chính quyền các thành phố xác định các khu vực có nguy cơ cao nhất lây nhiễm COVID-19, như ở vòi nước và nhà vệ sinh công cộng tại các khu này.
Theo Phó giáo sư về quy hoạch thành phố và khu vực thuộc Đại học Bắc Caroline (Mỹ), Nikhil Kaza, việc duy trì dữ liệu chính xác đang là một thách thức do sự biến đổi nhanh ở các khu nhà ổ chuột bởi đây là những khu ở tạm thời hoặc bị chiếm tạm để ở. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Gautam Bhan thuộc Viện Định cư của Ấn Độ cho rằng chính quyền địa phương cũng nên đảm bảo không đuổi người dân sinh sống ở các khu nhà ổ chuột để khuyến khích họ cung cấp những thông tin cá nhân.