Giải thưởng danh giá này được ví như giải "Nobel Kiến trúc".
Ban giám khảo giải thưởng này đánh giá công trình của Chipperfield "tinh tế nhưng mạnh mẽ, nhẹ nhàng nhưng thanh lịch".
Tuyên bố của Ban giám khảo cũng nhấn mạnh rằng ông Chipperfield là kiến trúc sư giỏi, luôn thể hiện sự tôn kính đối với lịch sử và văn hóa, đồng thời tôn vinh môi trường tự nhiên và các công trình đã có từ trước.
Thiết kế hiện đại vượt thời gian của kiến trúc sư tài năng này giúp ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu, biến đổi các mối quan hệ xã hội và tái tạo sức sống cho các thành phố.
Ban giám khảo cũng ghi nhận sự tận tâm của kiến trúc sư Chipperfield đối với xã hội và môi trường thay vì chạy theo xu hướng.
Ông Tom Pritzker, Chủ tịch Hyatt Foundation - tổ chức tài trợ cho giải thưởng, cho rằng kiến trúc sư Chipperfield luôn tránh xa xu hướng đối đầu, coi trọng việc duy trì mối liên hệ giữa truyền thống và đổi mới, đồng thời coi trọng các giá trị lịch sử.
Kiến trúc sư Chipperfield đã làm việc trên khắp châu Á, châu Âu và nhiều thành phố của Mỹ như Davenport, Iowa, Alaska. Ông có văn phòng chính tại thủ đô London (Anh) và các văn phòng đại diện tại 4 quốc gia khác. Trong hơn 4 thập kỷ, "bậc thầy của sự đơn giản" này đã thực hiện nhiều dự án, từ các công trình văn hóa, dân sự và học thuật đến quy hoạch đô thị, nhà ở và cả công trình bổ sung gần đây cho khu phức hợp Đảo Bảo tàng nổi tiếng tại thủ đô Berlin của Đức.
Vào năm 2019, thành phố Berlin đã khánh thành Phòng trưng bày James Simon - một cửa ngõ mới do kiến trúc sư Chipperfield thiết kế dẫn đến khu phức hợp Đảo Bảo tàng. Mốc thời gian đó được coi là thời điểm quan trọng trong nỗ lực cải tạo khu vực 5 bảo tàng - nơi lưu giữ các báu vật như Cổng Ishtar của Babylon và tượng bán thân của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.
Ban tổ chức giải thưởng Pritzker đã ca ngợi thiết kế này do công trình có tầm nhìn bao quát cả bên trong và bên ngoài, thậm chí xuyên qua các tòa nhà liền kề và cảnh quan đô thị xung quanh.