Trở lại Kiev chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Trong mắt tôi phố phường Kiev, thủ đô Ukraine dường như vẫn yên bình như thế. Vẫn những con phố thơ mộng hết xuống rồi lại lên dốc. Vẫn những mái vòm nhà thờ vàng óng lấp ló ánh lên rực rỡ dưới nắng chiều. Vẫn đây tượng đài Mẹ Tổ quốc với thanh gươm, hùng vĩ và vươn thẳng trên nền những cánh rừng xanh rì ngút tầm mắt.
Bên kia đường nơi tượng đài ca ngợi những chiến công của quân và dân Liên Xô trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đứng hiên ngang này, là khu tưởng niệm Anh em nhà Kyi- một danh thắng lịch sử mà những ai từng đến Kiev không thể không mong ước được ghé thăm. Tên của thành phố Kiev cũng bắt nguồn từ cái tên Kyi- một trong bốn anh em sáng lập nên thành phố này. Vẫn con sông Dnepr dài nhất châu Âu ngày đêm rì rầm sóng nước....
Và người Kiev vẫn hiền hoà như thế, họ rảo bước trên những nẻo đường. Đến cơ quan công sở, đến trường học, hoặc chỉ đơn thuần những cụ già ngồi trên ghế đá ngắm nhìn người qua lại, những em bé chạy nhảy vui đùa... Cái vẻ bên ngoài của thành phố ấy thì dường như vẫn thế, song thực sự đang có một điều gì đó thay đổi trong lòng thành phố, trong lòng đất nước Ukraine, trong từng suy nghĩ của những con người nơi đây.
Hồi cuối tháng 5/2014, lần đầu tiên được đặt chân tới Kiev trong chuyến công tác đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine trước thời hạn, tôi cảm nhận người dân thủ đô, cho dù họ có nói ra hay không, nhưng tất cả đều đã từng ấp ủ bao hy vọng, rằng sau bầu cử, sau sự kiện Maidan, cuộc sống sẽ sớm trở lại ổn định, yên bình. Thế nhưng hơn hai tháng đã trôi qua, quãng thời gian tuy không nhiều, nhưng những tin tức về chiến sự ở miền đông ngày một nóng hơn, chắc chắn khiến cho không ít người trở nên lo lắng.
Người dân địa phương tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk chạy đi sơ tán gần hết. Và người Việt mình với khoảng hơn 300 người, sinh sống tại Donetsk từ bao năm qua, nhà cửa công việc, con cái học hành gắn liền với mảnh đất mà họ coi như quê hương thứ hai, giờ cũng phải dứt áo ra đi.
Những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, những nỗ lực của vị Tổng thống hợp hiến được nhân dân Ukraine bầu chọn- ông Petro Poroshenko, đã chưa thể sớm mang lại kết quả trông đợi. Chiến sự nóng từng ngày, thậm chí người ta còn nhắc tới hai từ chiến tranh ở trong lòng một đất nước vốn thanh bình, người dân vốn hiền hòa. Đó thực sự là một nỗi buồn!
Ngày đầu đến Kiev, tìm gặp những người đồng hương Việt Nam mình chạy loạn khỏi vùng chiến sự, tôi gặp hai cô bé vừa tốt nghiệp thạc sĩ. Sinh ra trong thời bình, các cô bé Việt Nam lần đầu tiên cảm nhận thế nào là tiếng súng chiến tranh. Lê Thị Cẩm Thủy, thạc sĩ chuyên ngành Tiếng Nga và Văn học, sinh năm 1989, người Cần Giờ tâm sự: "Chưa bao giờ em sống trong một thành phố mà tiếng súng nổ gần như thế! Chúng em rất sợ vì không thể xác định súng nổ từ hướng nào, và cho dù biết rằng đó là những cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân chính phủ, nhưng nhỡ đâu..."
Trần Thị Thanh Huyền, là bạn học của Thủy, người huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) thì nói- "học cùng trường chúng em, cả thảy có 9 sinh viên, và các em ấy đã được nhà trường giải quyết cho sinh viên nước ngoài kết thúc chương trình học tập và thi cử từ cuối tháng 5, trước ngày bầu cử. Nhưng chúng em, là hai nghiên cứu sinh người Việt duy nhất của trường, chúng em không có cách nào khác phải chịu kẹt lại trong tiếng súng, trong khung cảnh xe tăng án ngữ cổng trường, cổng ký túc xá... Bởi chúng em phải đợi lấy bằng tốt nghiệp, lấy hồ sơ..."
Nhìn hai cô bé đứng nép vào nhau trong ráng chiều, giật mình khi chiếc xe hơi của một anh chàng người dân Kiev trêu đùa rú ga phóng qua, tôi hiểu hơn ai hết tâm trạng sợ hãi của hai thiếu nữ Việt Nam ấy, những cô gái sinh ra trong thời bình, và càng thương cảm sâu sắc người dân nước bạn Ukraine, bỗng chốc rơi vào cảnh chiến tranh, loạn lạc!
Có biết bao cảnh đời thương tâm trong những ngày tôi lưu lại Kiev. Theo chân các anh Thuân, chị Phương Thảo, anh Tấn ở phòng Lãnh sự, ở Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, và anh Bùi Xuân Cường, (người Hà Nội sẵn sàng cưu mang giúp đỡ bà con chạy nạn), đi đón gia đình chị Nguyễn Thị Kiều, (sinh năm 1966) chạy lánh nạn khỏi Donetsk.
Ba mẹ con chị tới sân ga ở thủ đô Kiev sau 3 ngày ròng rắn đi vòng từ Donetsk đến Kharkov, rồi mới vòng ngược lại thủ đô, vì không thể mua được chuyến tàu chạy thẳng như trước đây, mà cũng không thể đi xuyên qua vùng chiến sự. Cũng như số đông bà con cộng đồng người Việt, chạy sơ tán về tận quê nhà Việt Nam, chị Kiều cho biết chặng đường của ba mẹ con vẫn chưa tới đích.
Mẹ con chị sẽ chỉ dừng chân 1 ngày ở Kiev và đã mua vé máy bay về Việt Nam, rồi sau đó đón xe về luôn quê nhà ở Quảng Ninh. Chị không dám ở lại Ukraine nữa, mà dự định về hẳn Việt Nam sau 30 định cư, lấy chồng và sinh con tại nước bạn. Chị nói trong rơm rớm nước mắt rằng con trai chị, cháu Nguyễn Việt Anh, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa thành phố Donetsk, nếu ở lại, cháu sẽ bị bắt lính mất.
Thấy tôi ngơ ngác không hiểu vì sao cháu là người Việt, bố mẹ đều người Việt mà lại bị bắt lính, chị giải thích cháu Việt Anh tuy mang dòng máu Việt, nhưng cháu sinh ra và lớn lên nơi này và cháu mang quốc tịch Ukraine. Lần đầu tiên được về thăm quê hương, ông bà, cả cháu và cô em gái nhỏ mới 13 tuổi, Nguyễn Thị Quỳnh Linh, khi được hỏi về quê hương, về gia đình nội ngoại, đều chỉ một mực nói: không biết, không hiểu...
Khi tôi nói chuyện với các cháu bằng tiếng Nga, lúc đó hai anh em mới hoạt bát lên đôi chút và cho biết mặc dù không muốn, nhưng các cháu cũng phải theo mẹ về quê hương lánh nạn. Việt Anh và Quỳnh Linh chia sẻ- chúng cháu rất lo lắng, chúng cháu biết tiếng Việt ít lắm, nhưng chúng cháu sẽ cố học tiếng Việt, để còn đi học.
Riêng Việt Anh, chàng bác sĩ tương lai thấy rõ nhiệm vụ học tiếng mẹ đẻ của mình nặng nề hơn, bởi cháu chỉ có thể đi làm ở Việt Nam, đi chữa bệnh cứu người khi biết tiếng Việt. Hỏi vì sao bố cháu không đi cùng ba mẹ con, Việt Anh nói bố còn phải ở lại thu xếp công việc. Cháu thở dài- Chúng cháu rất lo cho bố... Và tôi hiểu tiếng thở dài ấy. Làm sao bố mẹ cháu có thể bỏ lại ngay tất cả những gì là mồ hôi nước mắt của 30 năm lập nghiệp nơi đất khách quê người, dù đó chỉ là một căn hộ nhỏ, một quầy bán hàng trong khu chợ quê. Và đó cũng là nỗi niềm của bao người bà con ta, đang buộc lòng phải rời bỏ mảnh đất như quê hương thứ hai của họ.
Trên bước đường lánh nạn, cũng như tôi, cũng như chính người dân Ukraine, người dân Việt định cư ở đây, thực sự mong thanh bình sớm quay trở lại với những thành phố vốn êm đềm xinh đẹp như Kiev, như Donetsk, hay Lugansk...