Một loại phụ gia độc hại, có tác dụng đẩy nhanh hoạt động đốt mỡ, tạo nạc và khiến thịt tươi lâu hơn đã xuất hiện trong ngành chăn nuôi lợn ở nhiều vùng của Trung Quốc, khiến thực khách nhiều phen phải nhập viện vì những cơn đau bụng hoặc tim đập loạn nhịp.
Clenbuterol, được biết tới ở Trung Quốc với tên “bột thịt nạc”, là một loại phụ gia nguy hiểm đã bị cấm sử dụng. Nhưng hãng tin AP cho biết bằng nhiều cách khác nhau, chất độc vẫn tiếp tục xuất hiện trong thịt lợn ở nhiều vùng của nước này.
“Bột thần” tạo lợn siêu nạc
Clenbuterol là hóa chất hoàn toàn được tổng hợp có tác dụng giãn phế quản, kích thích thần kinh giao cảm, vì vậy được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Việc sử dụng “bột thịt nạc” được cho là xuất hiện tại nhiều trang trại lợn ở nông thôn Trung Quốc |
Nó cũng có tính năng kích thích đốt mỡ và tạo cơ nên còn được các vận động viên thể dục thể hình cũng như những người béo sử dụng để giảm cân.
Nhưng mặt trái của việc dùng thuốc quá liều là gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và trong một số trường hợp có thể gây chết người.
Việc sử dụng “bột thịt nạc” được cho là xuất hiện tại nhiều trang trại lợn ở nông thôn Trung Quốc
Nhận thức được tác động nguy hại của clenbuterol, Trung Quốc đã cấm sử dụng chất này từ những năm 1990. Nhưng có những người nông dân vô lương tâm hám lợi vẫn bí mật trộn chất này vào thức ăn của lợn.
Việc thêm clenbuterol vào thức ăn khiến lợn lớn nhanh hơn bình thường. Thuốc cũng khiến con lợn giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Ngoài ra, miếng thịt lợn sau khi được pha ra có màu hồng tươi ngon. Màu sắc này giữ được rất lâu so với thịt không nhiễm hóa chất.
Wen Peng, biên tập viên The Pig Site, trang tin tổng hợp về ngành công nghiệp thịt lợn toàn cầu, nói rằng chính cái màu hồng tươi đó đã khiến nhiều nhà cung cấp thực phẩm ở Trung Quốc đôi khi còn đòi nông dân bán cho họ thịt lợn nhiễm clenbuterol.
“Đây là một vấn đề không hề nhỏ ở Trung Quốc” - Pan Chenjun, một nhà phân tích cao cấp làm việc tại ngân hàng Rabobank ở Bắc Kinh, người chuyên theo dõi hoạt động kinh doanh thực phẩm tại Trung Quốc đánh giá - "Lợn nhiễm bột thịt nạc không được thông báo thường xuyên nên đôi khi người ta nghĩ vấn đề không lớn. Nhưng thực sự chuyện này có quy mô rất rộng”.
Ngộ độc người tiêu dùng
Pan nói rằng hoạt động giám sát thực phẩm rất chặt chẽ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải khiến tình trạng nhiễm độc thực phẩm quy mô lớn ở vùng đô thị khó xảy ra. Nhưng ở vùng nông thôn, chuyện lại khác hẳn.
“Tôi nghĩ rằng rất nhiều người sống ở các thị trấn, thị tứ có thể đã tiếp xúc nhiều (với clenbuterol) nếu họ ăn thực phẩm đường phố” - Pan nói - "Đối với các trang trại lợn quy mô lớn, sẽ khó có chuyện lợn nhiễm clenbuterol vì họ không muốn chịu thiệt hại lớn do bị bắt quả tang khi dùng phụ gia bị cấm."
"Nhưng vẫn còn rất nhiều trang trại lợn nhỏ khác và họ có một thị trường rất rộng lớn. Đó là chưa kể tới các lò sát sinh, họ sẽ chọn lựa các nhà cung cấp có sử dụng clenbuterol bởi thịt trông sẽ tươi hơn và nhiều nạc hơn”.
Thực phẩm không an toàn đang là vấn đề gây đau đầu cho giới lãnh đạo Trung Quốc
|
|
Sau khi đi vào cơ thể lợn, thuốc sẽ tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi và khiến người ăn những nội tạng này mắc bệnh.
AP cho biết tình trạng ngộ độc clenbuterol dường như xuất hiện nhiều ở phía Nam Trung Quốc, nơi người dân thích ăn nội tạng lợn. Đơn cử như tháng 2/2009, 70 người ở thành phố Quảng Châu đã phải nhập viện vì đau dạ dày và tiêu chảy do ăn phải nội tạng lợn nhiễm clenbuterol bán ở một khu chợ địa phương.
Ngay cả phần thịt của loại lợn siêu nạc này cũng không an toàn. Hồi tháng 9/2006, 336 cư dân thành phố Thượng Hải đã bị ngộ độc do ăn phải thịt lợn chứa clenbuterol. Phần lớn số thịt có nguồn gốc từ tỉnh Chiết Giang, nơi việc nuôi lợn bằng clenbuterol diễn ra khá phổ biến.
Tệ hơn, clenbuterol đã được dùng để chăn nuôi nhiều loại động vật khác nhau, không chỉ là những con lợn. Năm ngoái, 13 người ở thành phố Thâm Quyến đã phải nhập viện vì ăn thịt rắn nhiễm clenbuterol. Báo chí địa phương nói rằng những con rắn đã được người ta cho ăn ếch nhiễm clenbuterol để tăng trưởng nhanh hơn.
Kêu gọi kiểm soát “bột thịt nạc”
Hiện tình trạng nguồn thịt lợn ở Trung Quốc nhiễm độc chất này tới đâu vẫn là một dấu hỏi lớn. Chính phủ Trung Quốc không thông báo có bao nhiêu trường hợp thịt lợn nhiễm clenbuterol đã được phát hiện, cũng như các trường hợp bị ốm vì nhiễm thuốc sau mỗi năm.
Nhưng theo đánh giá của giới quan, ít nhất ở vùng nông thôn Trung Quốc, tình trạng sử dụng thuốc này đang diễn ra tràn lan.
Wen nói rằng dù Trung Quốc có các quy định nghiêm khắc chống việc sử dụng “bột thịt nạc”, nhưng việc thực thi các quy định đó lại rất lỏng lẻo và người vi phạm thường được trả tự do sau khi nộp một khoản tiền phạt.
Vì thế việc ngăn chặn tình trạng sử dụng clenbuterol trở nên khó khăn. Ngay cả giới chức chính phủ cũng tỏ ra bất bình với tình trạng thịt nhiễm độc chất kéo dài không thể kiểm soát.
Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Trung Quốc vào ngày 25/8/2009, Wang Yunlong, lãnh đạo ủy ban về các vấn đề nông nghiệp và nông thôn của Quốc hội, đã nói rằng nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng “bột thịt nạc” đã không đạt hiệu quả ở nhiều khu vực.
Ông kêu gọi việc thực hiện “một nỗ lực tập trung trên toàn quốc nhằm kiểm soát tình hình”.
Trong bối cảnh người dân Trung Quốc đã bắt đầu lo ngại về thực phẩm độc hại, các trang trại cam kết nuôi trồng thực phẩm sạch đã bắt đầu xuất hiện, nhưng chủ yếu nằm quanh Bắc Kinh và một số khu vực đô thị phát triển khác. Little Donkey là một ví dụ.
Trang trại này được lập nên hồi năm 2008 và không dùng hóa chất hoặc kháng sinh để nuôi lợn. Khi lợn ốm, nó được điều trị bệnh bằng Đông dược và môi trường sống được diệt khuẩn bằng nước tỏi.
Tuy nhiên đổi lại cho sự sạch sẽ ấy là thịt lợn ở đây có giá đắt gấp 3 lần giá thịt bán ở các siêu thị và qua đó cũng nằm ngoài tầm với của nhiều người tiêu dùng thông thường.
Theo TTVH