Theo kênh CNBC, chỉ trong vòng 5 ngày tháng 5, Trung Quốc đã tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân. Giới chức y tế nước này hy vọng có thể tiêm chủng cho 80% dân số 1,4 tỷ người vào cuối năm 2021.
Tính tới ngày 2/6, Trung Quốc đã tiêm tổng cộng trên 704 triệu liều vaccine, trong đó một nửa được tiêm trong tháng 5. Tổng số liều vaccine COVID-19 mà Trung Quốc đã tiêm cho dân chiếm khoảng 1/3 trong 1,9 tỷ liều vaccine được phân phối trên toàn cầu.
Lời kêu gọi tiêm vaccine có ở mọi tầng lớp xã hội. Các công ty tiêm cho người lao động, trường học giục học sinh và giáo viên tiêm chủng, chính quyền địa phương kêu gọi người dân tiêm phòng.
Theo trang Our World in Data, tính trong 7 ngày, Trung Quốc đang tiêm trung bình 19 triệu liều/ngày.
Với dân số bằng 1/4 Trung Quốc, Mỹ chỉ tiêm 3,4 triệu liều/ngày hồi tháng 4 – thời điểm chiến dịch tiêm chủng hoạt động hết tốc lực.
Ngày 30/5, ông Zhong Nanshan, trưởng nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết 40% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều và mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng đầy đủ cho số người này vào cuối tháng 6.
Tại thủ đô Bắc Kinh, 87% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Tiêm chủng ở Bắc Kinh rất dễ dàng vì có tới hàng trăm điểm cung cấp dịch vụ tiêm vaccine khắp thành phố. Xe buýt tiêm chủng đỗ ngay ở các khu vực đông đúc như trung tâm thành phố và các trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, tiêm chủng ở các khu vực khác lại không dễ dàng như ở thủ đô. Bà Zhou Hongxia, một người dân ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, cho biết: “Tôi bắt đầu xếp hàng chờ tiêm vào lúc 9 giờ sáng mà tới tận 6 giờ tối mới được tiêm. Thật mệt mỏi. Khi tôi về, vẫn còn có người đang chờ”. Chồng bà Zhou thậm chí còn không thể đặt lịch tiêm chủng.
Ngày 31/5, các quan chức chính phủ cho biết họ đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine COVID-19 được phân phối đồng đều hơn.
Không chỉ tập trung tiêm chủng cho dân trong nước, Trung Quốc còn tiêm cho cả công dân đang ở nước ngoài khi tặng vaccine cho Thái Lan mà một phần trong số đó được dùng để tiêm cho người Trung Quốc trước khi tiêm cho người Thái. Tính trên toàn cầu, Trung Quốc đã tiêm cho trên 500.000 công dân ở nước ngoài.
Trước khi chiến dịch tiêm chủng trong nước tăng tốc những tuần gần đây, nhiều người dân Trung Quốc không vội vã tiêm vaccine vì Trung Quốc hầu như không có ca mắc trong cộng đồng nhờ kiểm soát biên giới chặt chẽ và cách ly bắt buộc. Gần đây, Trung Quốc đã xuất hiện nhiều cụm lây nhiễm nhỏ và đang dập cụm dịch ở Quảng Châu.
Theo các nhà phân tích, mặc dù phân phối vaccine COVID-19 chưa đều nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc hầu như không gặp vấn đề với quy mô sản xuất. Cả hai công ty sản xuất phần lớn vaccine COVID-19 đang được dùng ở Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đều tăng cường mạnh mẽ sản xuất, xây thêm nhà máy mới và chuyển đổi các nhà máy hiện tại để sản xuất vaccine COVID-19.
Vaccine của Sinovac và một loại của Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Ông Li Mengyuan thuộc công ty tài chính Western Securities nói: “Nơi nào trên thế giới có thể sánh với Trung Quốc về tốc độ xây dựng? Trung Quốc cần bao lâu để xây các bệnh viện dã chiến? Chỉ vài ngày”.
Sinovac cho biết đã tăng gấp đôi công suất sản xuất lên 2 tỷ liều/năm, còn Sinopharm cho biết có thể sản xuất 3 tỷ liều/năm. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 5, Sinovac đã sản xuất 540 triệu liều vaccine COVID-19.
Sự hỗ trợ của chính phủ chính là yếu tố quan trọng với các nhà sản xuất vaccine trong mọi giai đoạn. Sinopharm cho biết ngay từ khi nghiên cứu vaccine, họ đã được mượn phòng thí nghiệm tại một trung tâm nghiên cứu của chính phủ.
Các công ty vaccine Trung Quốc phần lớn không phụ thuộc sản phẩm nhập khẩu trong quá trình sản xuất, nên tránh được kịch bản thiếu nguyên liệu, thành phần như Viện Serum ở Ấn Độ.
Tính tới 4/6, Trung Quốc có 91.194 ca mắc COVID-19, trong đó 4.636 ca tử vong.