Do đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng trẻ em là rất cần thiết. Hơn nữa sẽ ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời đây cũng là một biện pháp quan trọng để thực hiện miễn dịch cộng đồng. Chính vì vậy, Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, thậm chí là một trong số ít các quốc gia triển khai tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Dưới đây là một số kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho người dân nắm được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với người dân, thấy được trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, chủ động tự nguyện đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho con em họ.
Theo đó, chính quyền địa phương tiến hành tổ chức các điểm tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại các địa điểm công cộng như công viên, trung tâm kiểm soát dịch địa phương, các bệnh viện... Kịp thời phổ biến kiến thức khoa học, giải tỏa những lo lắng cho người dân, hình thành nhận thức đúng đắn, khoa học đối với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Tận dụng triệt để các nền tảng, kết hợp cả tuyên truyền trên mạng và tuyên truyền trực tiếp như các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng điện thoại wechat, pano, áp phích, cán bộ tuyên truyền của địa phương... nhằm đảm bảo nội dung tuyên truyền đến được từng người dân. Ngoài ra, phối hợp tốt giữa nhà trường và cơ quan y tế. Các nội dung tuyên truyền phải rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để người dân nhận thức nhanh chóng và đúng đắn, tránh hiểu lầm.
Tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em theo hướng hạ thấp dần độ tuổi. Chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc được tiến hành đầu tiên với nhóm đối tượng từ 18-59 tuổi. Sau khi hoàn thành các mũi tiêm cho nhóm đối tượng này thì tiến hành tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên và từng bước tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 3-17 tuổi. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, Trung Quốc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt đầu tiên cho nhóm đối tượng 18-59 tuổi; từ tháng 3/2021 bắt đầu triển khai tiêm cho đối tượng từ 60 tuổi trở lên; từ tháng 7/2021 bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong đó phân chia thành giai đoạn 1 tiêm cho đối tượng từ 15-17 tuổi và bắt đầu từ tháng 8/2021 triển khai tiêm giai đoạn 2 cho đối tượng từ 12-14 tuổi; từ cuối tháng 10/2021 bắt đầu triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 3-11 tuổi, trong đó tiêm chủng cho đối tượng học sinh tiểu học trước, sau đó đến đối tượng lứa tuổi mẫu giáo.
Tổ chức tiến hành điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em chủ yếu trên cơ sở theo từng trường học, những trường hợp không tiêm được tại trường sẽ thực hiện tại các điểm tiêm chủng. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan y tế và trường học. Xây dựng phương án tiêm chủng cho học sinh, tăng cường phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, căn cứ vào năng lực tiêm chủng của cơ quan y tế để xây dựng kế hoạch tiêm chủng cụ thể.
Bố trí các khu vực khám sàng lọc, đăng ký, tiêm chủng và khu vực quan sát theo dõi sau tiêm một cách khoa học. Giáo viên chủ nhiệm của từng lớp nắm tổng hợp danh sách các học sinh đăng ký tiêm chủng và nắm những trường hợp chỉ định chống tiêm chủng. Phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh sau tiêm. Kết thúc tiêm chủng, tổng hợp tình hình báo cáo với nhà trường. Các trường học căn cứ vào chương trình kế hoạch, kịp thời nắm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, thu thập thống kê tình hình tiêm chủng của học sinh kịp thời báo cáo. Kịp thời chia sẻ kinh nghiệm thành công và những điểm còn tồn tại trong công tác tiêm chủng để các trường học tập và rút kinh nghiệm. Quá trình tiêm chủng, yêu cầu học sinh và phụ huynh phải chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, tiến hành tiêm chủng theo trật tự quy định.
Với trẻ em từ 3-11 tuổi, hiện Trung Quốc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 với liều lượng là 0,5ml/liều, khoảng cách giữa các mũi tiêm từ 21-56 ngày. Hiện các chuyên gia dịch tế Trung Quốc không khuyến khích tiêm mũi tăng cường cho trẻ em.
Về phản ứng sau tiêm đối với trẻ em, theo số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ phản ứng bất thường là 1/1.000.000, trong đó tỷ lệ có phản ứng sau tiêm của nhóm đối tượng từ 3-11 tuổi còn thấp hơn nhiều so với thanh thiếu niên và người trưởng thành. Các phản ứng sau tiêm được ghi nhận chủ yếu là đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ. Nếu không có vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, trẻ chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 ngày, không cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt.