Nhu cầu mua xe đạp tại Ấn Độ đã bùng nổ khi người dân tránh sử dụng phương tiện công cộng do dịch COVID-19. Đây đáng lẽ là tin vui với Inderjit Navyug tuy nhiên nhà máy sản xuất bộ phận xe đạp của ông tại bang Punjab vẫn đóng cửa ngưng hoạt động từ tháng 3 đến giờ.
Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng lệnh phong tỏa từ tháng 3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Lệnh phong tỏa được nới lỏng từ 8/6 còn số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng khiến nước này đứng thứ 3 thế giới về số trường hợp nhiễm virus Cornona chủng mới (SARS-CoV-2).
Một số tiểu bang như Punjab vẫn duy trì một số lệnh hạn chế do vậy 35 nhân công của ông Navyug lo lắng chưa muốn quay trở lại cho đến khi dịch được kiểm soát.
Tờ Al Jazeera dẫn lời ông Navyug nói: “Doanh thu của tôi giảm mạnh. Tôi đã gửi tiền cho công nhân và hy vọng họ sẽ quay trở lại trong tháng tới”. Công ty của Navyug là một trong hàng trăm, hàng nghìn nhà sản xuất nhỏ Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Câu chuyện của ông còn phản ánh tình trạng trì trệ kinh tế Ấn Độ nhiều khả năng phải đối mặt.
Reuters và Bloomberg dẫn nhận định của các nhà kinh tế học đánh giá kinh tế Ấn Độ nhiều khả năng giảm 20% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước. Reuters dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ giảm 5,1% tính đến cuối tháng 3/2021. Đây sẽ là con số yếu kém nhất của Ấn Độ từ năm 1979.
Nhà kinh tế học Rahul Bajoria tại Barclays (Anh) nhận định: “Nếu đóng cửa mọi thứ trong 6-7 tuần thì dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng. Thách thức lớn nhất hiện nay của Ấn Độ là làm thế nào để quay lại mức bình thường nhất định và tăng trưởng từ đó”.
Để thực hiện điều này, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman trong tháng 5 đã khởi động gói kích thích 265 tỷ USD.
Sau khi chính phủ Ấn Độ nới lỏng phong tỏa từ 8/6, đã có thay đổi đáng kể với một số ngành. Doanh số ô tô, xe máy tăng; nhu cầu điện, hoạt động thương mại như sản xuất cũng đi lên. Nhưng tăng trưởng này dần chậm lại, dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ không sớm trở về mức trước khi dịch bệnh xảy ra.
Nhà kinh tế học Rahul Bajoria đánh giá nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sẽ chỉ trở lại mức bình thường khi kiểm soát được dịch COVID-19.
Một vấn đề khác là một số tiểu bang vẫn áp dụng quy định phong tỏa dành riêng cho địa phương. Bang Punjab đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau và phong tỏa vào cuối tuần từ 21/8 trên toàn bang.
Chủ cơ sở sản xuất linh kiện ô tô tại Punjab – ông Gurpargat S Kahlon cho biết các biện pháp của bang đã gây ảnh hưởng không nhỏ. Theo Gurpargat S Kahlon, đơn đặt hàng giảm, thiếu nhân công khiến hai nhà máy của ông chỉ còn hoạt động một nửa công suất. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối khiến ông phải đóng cửa hàng sớm hơn thường lệ.
Nhà kinh tế học Madan Sabnavis tại công ty CARE Ratings phân tích rằng những biện pháp như bang Punjab đang áp dụng đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và tăng các chi phí.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá các biện pháp của chính phủ Ấn Độ để bảo vệ kinh doanh nhỏ lẻ và người dân vùng nông thôn có thể dẫn đến thâm hụt tài khóa chiếm tới 7,4% GDP năm 2020. Đây là con số nhỏ so với dự đoán của IMF về thâm hụt tài khóa 9,1% đối với các quốc gia thu nhập trung bình.
Các nhà phân tích cho biết chính phủ Ấn Độ đã cẩn trọng về tăng tiêu dùng. Ông Jagannarayan Padmanabhan tại S&P Global cho rằng ở thời điểm bất ổn định hiện nay, các công ty có thể chưa sẵn sàng đầu tư vào các dự án mới do vậy chính phủ có thể lựa chọn đấu giá những dự án đang tồn tại rồi dùng số tiền này để phát triển cơ sở hạ tầng mới.
Để có thêm quỹ bổ trợ, Ấn Độ có một giải pháp là bán một số tài sản chính phủ. Trong tháng 7, công ty nhà nước Đường sắt Ấn Độ đã mời một số doanh nghiệp tư nhân đấu thầu để vận hành tàu chở khách. Chính phủ Ấn Độ dự định mời đấu thầu 109 tuyến đường sắt qua các trung tâm tài chính như Mumbai, Bengaluru, New Delhi, Chennai, Howrah… với mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo những chiến lược này có thể không đem lại hiệu quả cứu trợ kinh tế ngay lập tức.