Khủng hoảng kinh tế toàn cầu liên quan đến virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 có thể làm “bốc hơi” hàng triệu việc làm khắp châu Phi. Rất nhiều người trong số họ gặp khó khăn khi không có tiền tiết kiệm.
Bà Ahunna Eziakonwa giám đốc khu vực châu Phi của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc nhận định với hãng thông tấn AP (Mỹ): “Lục địa này đã trải qua nhiều khó khăn. Một số chính phủ châu Phi chịu tác động do Ebola nhưng tình trạng như thế này là chưa từng có tiền lệ. Thị trường lao động châu Phi được trợ lực bởi xuất khẩu và nhập khẩu, trong khi đó phong tỏa, cách ly diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế bị đóng băng. Và tất nhiên kéo theo đó là không còn việc làm”.
Hơn nửa trong số 54 quốc gia châu Phi từ Uganda cho tới Nam Phi đã ban hành lệnh phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại và nhiều biện pháp khác để ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Và những con phố tại thủ đô Kampala (Uganda) là minh chứng cho thấy con đường gập ghềnh mà chính phủ các quốc gia châu Phi phải đối mặt do dịch COVID-19, đó là "trông nom" hàng triệu người mắc kẹt tại nhà trong nhiều tuần và nhiều tháng do lệnh phong tỏa. Một số nước châu Phi thừa nhận họ không thể hỗ trợ trực tiếp.
Số phận của ngành lao động không chính thức là ví dụ cho điều các chuyên gia dự đoán về thiệt hại chưa từng có tiền lệ với nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Trong hàng triệu người thất nghiệp là những người lao động chân tay, người bán rong, tài xế taxi, người giúp việc… UNECA đã kêu gọi hành động để bảo vệ 30 triệu việc làm tại châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và hàng không.
Ủy ban Kinh tế châu Phi Liên hợp quốc cho biết dịch COVID-19 có thể tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng vốn “uể oải” của lục địa này. Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Nigeria và Angola có thể mất 65 tỷ USD vì giá “vàng đen” giảm.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA) Vera Songwe trong tháng 3 cho biết ở thời điểm hiện tại châu Phi cần 10,6 tỷ USD chi phí ngoài dự kiến dành cho y tế.
Từ đây, chính phủ nhiều nước đã kêu gọi gói kích thích kinh tế. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đề cập đến “mối đe dọa hiện diện” với nền kinh tế châu Phi khi đề nghị các quốc gia G20 hỗ trợ 150 tỷ USD. Các bộ trưởng tài chính châu Phi trong khi đó thống nhất rằng lục địa này cần gói kích thích kinh tế lên tới 100 tỷ USD.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng ủng hộ lời kêu gọi về gói cứu trợ và cho biết rằng dịch COVID-19 “sẽ đảo ngược thành tựu nhiều quốc gia tạo dựng được trong những năm gần đây”. Một số quốc gia châu Phi vốn nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 25/3 cho biết đã nhận được đề nghị hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ 20 quốc gia châu Phi. IMF xác nhận đã thông qua thấu chi tín dụng cho Guinea và Senegal đang đối mặt với khó khăn kinh tế do COVID-19.
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo nhấn mạnh: “Chúng tôi biết cách đưa nền kinh tế quay trở lại với thường lệ. Nhưng điều chúng tôi chưa nắm được là cách đưa mọi người trở về với cuộc sống thường nhật”. Tổng thống Nana Akufo-Addo đã lập một quỹ xóa đói giảm nghèo để hỗ trợ những người nghèo khó và ông còn chủ động quyên góp 3 tháng lương của bản thân vào quỹ này.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có hỗ trợ nhiều hơn, bao gồm cả miễn thuế cho bộ phận người nghèo thành thị.
Tại Kenya, Tổng thống Uhuru Kenyatta công bố miễn thuế tạm thời đối với người thu nhập thấp – kiếm được khoảng 240 USD/tháng – đồng thời giảm thuế thu nhập từ 25-30%.
Nhưng lãnh đạo nhiều quốc gia khác phải thừa nhận rằng họ không thể thi hành những gói cứu trợ như vậy. Tổng thống Benin Patrice Talon cho biết quốc gia Tây Phi này, cũng giống nhưu nhiều quốc gia châu Phi khác, không có phương pháp như vậy.