Số liệu do Cơ quan thống kê liên bang Destatis công bố ngày 14/1 cho thấy trong năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 5% bởi "hầu hết các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19". Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn so với mức giảm 5,7% mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải hứng chịu hồi năm 2009 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cũng theo số liệu của Destatis, chi tiêu tư nhân trong năm ngoái đã lao dốc 6% trong khi đầu tư doanh nghiệp vào thiết bị mới cũng giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu giảm tới gần 10%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%. Điều này cho thấy thặng dư thương mại của Đức đã thu hẹp do đại dịch. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của khu vực công lên tới 158,2 tỷ euro (192,31 tỷ USD), tương đương 4,8% GDP. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Đức là chi tiêu chính phủ, giúp chi tiêu công tăng 3,4%. Hoạt động xây dựng, lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Đức, tăng 1,5%.
Trước đó, ngày 12/1, Hiệp hội Công nghiệp Đức BDI dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2021, sau khi sụt giảm khoảng 5% vào năm 2020. Tuy nhiên, BDI nhận định nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ chỉ có thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19 cho đến năm 2022.
Dự báo của BDI kém lạc quan hơn so với ước tính hồi tháng 10/2020 của Chính phủ, trong đó Berlin dự báo GDP của nước này sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,4%. Dự kiến, Chính phủ sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2021 vào cuối tháng này.