Destatis đánh giá khủng hoảng kinh tế Đức ở thời điểm này còn trầm trọng hơn khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây hơn một thập kỷ, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này suy giảm 4,7 trong quý I/2009. Các dữ liệu mới cho thấy sự suy giảm mạnh nhất nhất kể từ năm 1970, khi Đức bắt đầu tính GDP hằng quý.
Trong quý II, tiêu dùng của Đức giảm 10,9%, đầu tư vốn giảm 19,6% và xuất khẩu giảm 20,3%, trong khi hoạt động xây dựng, lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Đức, giảm 4,2%. Điểm sáng duy nhất là chi tiêu công tăng 1,5% nhờ các chương trình ứng phó của chính phủ với dịch COVID-19.
Quốc hội Đức đã tạm ngừng việc "hãm phanh nợ" trong năm nay nhằm tạo điều kiện để chính phủ tập trung tài chính cho việc ứng phó với khủng hoảng, thúc đẩy chi tiêu tài khóa, thực hiện cân bằng ngân sách khi khoản nợ mới được ghi nhận mức kỷ lục là 217,8 tỷ euro (gần 260 tỉ USD).
Cũng theo Destatis, thâm hụt ngân sách của Đức trong 6 tháng đầu năm lên tới 51,6 tỷ euro (60,9 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020, tương đương 3,2% tổng sản lượng của nền kinh tế tính theo tiêu chuẩn Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu. Trong cùng kỳ năm 2019, kinh tế Đức ghi nhận mức thặng dư 2,7% GDP, tương đương 46,5 tỷ euro (54,9 tỷ USD).
Theo đánh giá của Destatis, lần đầu tiên kể từ năm 2010, nguồn thu ngân sách của Chính phủ Đức đã giảm trong khi Chính phủ Đức phải dành 9,3% GDP cho việc cứu trợ kinh tế. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết Chính phủ Đức có kế hoạch vay khoảng 218 tỉ euro (hơn 257 tỷ USD) trong năm 2020 dành cho gói cứu trợ đưa kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái do dịch bệnh gây ra.