Kinh tế Iran đã chịu tác động nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, dẫn đến việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2015 đã ký một thỏa thuận với Mỹ và 5 cường quốc khác về việc hạn chế các hoạt động của chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trên.
Theo Ngân hàng Trung ương Iran, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Iran đã tăng 12,3% năm 2016, nhờ sự tăng trưởng của ngành dầu khí trong nước. Tuy vậy, GDP của Iran đã tăng chậm lại còn 3,7% năm 2017, dẫn tới tình trạng bất ổn trong nước và các cuộc biểu tình.
Giới chuyên gia Ai Cập nhận định, quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt nói trên có thể tác động tiêu cực hơn nữa đối với kinh tế Iran và thu hẹp không gian phát triển của nền kinh tế nước này. Ông Mohammed Mohsen Abo el-Nour, nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới Iran kiêm Chủ tịch Diễn đàn Arập phân tích các chính sách của Iran (AFAIP), cho rằng các biện pháp trừng phạt nói trên sẽ khiến Iran thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD/năm và quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mới đây của Washington chắc chắn sẽ làm suy yếu kinh tế nước này.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được đưa ra sau khi các thành viên hàng đầu thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tái cam kết bù đắp sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ của Iran do các biện pháp này.
Theo ông Abo el-Nour, các thành viên OPEC hồi mùa Thu 2018 đã cam kết sản xuất thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực, có nghĩa họ sẽ phải “trám” vào thị phần của Iran trên thị trường dầu thế giới. Ông Abo el-Nour cho hay Saudi Arabia cho biết có thể sản xuất thêm khoảng 2,8 triệu thùng/ngày để cung cấp cho thị trường thế giới.
Trước đó, ngày 2/5, quy chế miễn trừ trừng phạt kéo dài 180 ngày mà Mỹ đưa ra với những khách hàng mua dầu mỏ của Iran đã chính thức hết hiệu lực. Theo các chuyên gia, ý định của Mỹ nhằm giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran hoàn toàn có thể phản tác dụng ở ngay trong nước cũng như nước ngoài. Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Tương lai Iran thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Barbara Slavin đã gọi quyết định của Mỹ là "phản tác dụng" bởi "động thái này sẽ không đưa Iran trở lại bàn đàm phán và sẽ không thay đổi đáng kể lập trường của Iran về khu vực".
Sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, mặc dù Nhà Trắng nhiều lần trấn an rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sẽ hợp tác để bù đắp cho những thiếu hụt của Iran trên thị trường thế giới, song Washington vẫn có thể đối mặt với cuộc chiến gian nan nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
Trong vài tuần tới, Saudi Arabia sẽ phối hợp với một số nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tình hình bất ổn đang diễn ra tại Venezuela và Libya, hai nước sản xuất dầu lớn, giá dầu mỏ thế giới khó có thể giảm trong tương lai gần.
Trong khi đó, phát biểu bên lề một triển lãm dầu mỏ và khí đốt tại thủ đô Tehran của Iran, Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo cũng vừa cho biết tổ chức này nhất định phải tránh một "cuộc khủng hoảng năng lượng" toàn cầu, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên đang đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế còn một số khác lại chật vật với tình hình bất ổn trong nước.