Ảnh hưởng của gói kích thích bị giảm, chính sách tiền tệ bị siết chặt kết hợp với tăng trưởng toàn cầu bị chững lại sẽ là những nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị giảm tốc.
Năm 2018 có thể xem là năm thành công của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là quý II và quý III nhờ tăng chi tiêu công và giảm thuế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 3,4% trong năm vừa qua và 4,2% trong quý II/2018.
Mặc dù các chỉ số kinh tế Mỹ rất đáng khích lệ với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, lạm phát trong mục tiêu, lương tăng trưởng tốt, tiêu dùng mạnh trong các dịp nghỉ lễ, song các nhà kinh tế vẫn thận trọng trước nguy cơ.
Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu Merrill Lynch của Ngân hàng Bank of America được công bố tháng 12/2018, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong năm 2019 ước tính là 2,7% và sẽ giảm đi trong hai quý cuối năm do tác động của gói kích thích tài chính bắt đầu giảm. Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm có thể tụt xuống mức thấp nhất trong 65 năm là 3,2%, nâng tăng trưởng lương thêm 3,5%. Lạm phát lõi sẽ tăng dần lên 2,2% trong năm 2019, trong khi thị trường nhà ở sẽ không còn diễn biến tích cực theo nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu cho rằng doanh số nhà ở đã đạt đỉnh và đà tăng giá nhà sẽ chậm lại.
Tháng 12/2017, Mỹ đã thông qua cải cách thuế lớn nhất trong 3 thập kỷ, trong đó thuế thu nhập đối với các công ty giảm mạnh từ 35% xuống 21%. Nghiên cứu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt đỉnh trong vài tháng tới và tác động của việc giảm thuế và chi tiêu tài chính sẽ bắt đầu giảm trong năm 2019 trước khi yếu dần vào năm 2020.
Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo giảm thuế còn có thể dẫn đến một số nguy cơ trong trong trung hạn như nợ công tăng, lạm phát tăng đột biến, suy thoái trong tương lai và sự gia tăng mất cân bằng toàn cầu.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 204,9 tỷ USD trong tháng 11/2018 do giảm thuế và tăng chi tiêu công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo thâm hụt ngân sách ngày càng tăng sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng mạnh trong 30 năm tới nếu luật hiện hành không thay đổi.
Trong năm 2018, FED đã tăng lãi suất ngắn hạn 4 lần và dự định tăng thêm hai lần nữa trong năm nay. Các nhà kinh tế cảnh báo nếu FED tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Trong năm qua, việc FED tăng lãi suất đã siết chặt các điều kiện kinh tế toàn cầu và tác động sang cả các nền kinh tế mới nổi.
Ngược lại, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu đi xuống cả ở nền kinh tế phát triển, lẫn mới nổi và điều này có thể tác động đến kinh tế Mỹ. Nguyên nhân là do các căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Anh chuẩn bị rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Viện nghiên cứu Conference Board có trụ sở tại New York (Mỹ) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,2% trong năm 2018 xuống 3,1% năm 2019. Do đó, các nhà kinh tế đều nhận định 2019 sẽ làm năm thách thức đối với các nhà đầu tư, lẫn các nhà hoạch định chính sách.