Xu hướng giảm tốc của kinh tế Mỹ ở quý cuối cùng của năm 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sự biến động mạnh trên các thị trường tài chính tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ.
Nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở Miami, bang Florida (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV/2015 và trong cả năm 2015 vẫn cao hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến khác, song đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế này vẫn làm dấy lên những lo ngại về "sức khỏe" của kinh tế Mỹ, khi nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Trung Quốc, cũng đang chật vật để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Các chuyên gia nhận định những nhân tố chính khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại là sự thu hẹp trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, cùng với tình trạng lao dốc của giá dầu và sự mạnh lên của đồng USD gây sức ép đối với lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ vẫn đánh đi tín hiệu tích cực, với số việc làm mới tăng mạnh trong ba tháng cuối năm ngoái. Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi trong quý I/2016, với mức tăng trưởng GDP ước đạt trên 2%. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không bác bỏ khả tăng lãi suất vào tháng 3 tới, nhưng một số chuyên gia cho rằng sự giảm tốc của nền kinh tế cùng những biến động mạnh trên thị trường tài chính có thể khiến Fed trì hoãn quyết định này đến tháng 6.