Theo kênh CNN, ông Justin Mankin, Giáo sư địa lý tại Đại học Dartmouth (Mỹ), cho biết: “Điều đó gây tổn hại cho nền kinh tế và chắc chắn là không mang lại sự ổn định để giúp chúng ta tránh được những thứ như rơi vào suy thoái”.
Ngày 26/6, trên 90 triệu người, chủ yếu ở dọc theo Bờ Đông, đang bị đe dọa khi hệ thống đưa ra cảnh báo các cơn bão đã tiến về phía Đông. 40 triệu người khác ở 7 bang miền Nam vừa nhận cảnh báo về nắng nóng ngày 26/6 khi đợt nắng nóng tàn khốc đang diễn ra ở Texas đang lan rộng. Khoảng 62 triệu người được khuyến cáo hoặc cảnh báo về nắng nóng cực đoan dự kiến kéo dài đến ngày 4/7 tới. Theo dự báo, nhiệt độ sẽ lên tới 43,3 độ C tại thành phố Dallas (bang Texas), 43,8 độ C tại thành phố New Orleans (bang Louisiana) và 41,6 độ C tại thành phố Mobile (bang Alabama).
Trong khi đó, tại một số thành phố ở khu vực Thượng Trung Tây, nhà chức trách Mỹ ban bố cảnh báo về chất lượng không khí do khói mù từ các đám cháy rừng ở Canada lan ra khu vực xung quanh. Chicago - thành phố lớn thứ ba nước Mỹ - ghi nhận chất lượng không khí kém nhất trong tất cả các thành phố trên thế giới do khói mù.
Như vậy, ít nhất 1/3 ba dân số Mỹ đang gặp khó khăn với các sự kiện thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn.
Đó là chưa kể 9 sự kiện thảm họa thời tiết và khí hậu đã xảy ra ở Mỹ từ đầu năm tới nay, mà trong đó mỗi sự kiện gây thiệt hại trên 1 tỷ USD.
Các nhà kinh tế cho biết chỉ riêng 9 sự kiện đó đã gây thiệt hại khoảng 23,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và một số nhà phân tích nói rằng con số đó ước tính quá thấp tác động lâu dài.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), năm 2022, các sự kiện thời tiết cực đoan đã khiến Mỹ thiệt hại khoảng 165 tỷ USD.
Hiện vẫn chưa rõ những sự kiện thời tiết này cuối cùng sẽ gây thiệt hại như thế nào.
Ông Mankin giải thích: “Bản chất của những hiện tượng thời tiết cực đoan này là chúng ảnh hưởng khắp các nền kinh tế của chúng ta theo những cách mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Chúng ta biết đủ để nói rằng các hiện tượng này rất có hại nhưng xét về chi phí thực tế và thời gian những chi phí đó tích lũy, đó là điều mà chúng tôi trong cộng đồng nghiên cứu đang phải giải quyết”.
Ông Mankin cho biết các đợt nắng nóng nói riêng thường gây ra một cú sốc cho nền kinh tế.
Theo một báo cáo của NOAA, Texas đã mất khoảng 30 tỷ USD trong năng suất mỗi năm do khí hậu nóng bức. Họ dự đoán con số đó sẽ tăng lên khoảng 110 tỷ USD/năm vào năm 2050, tức 2,5% nền kinh tế của Texas.
Thời tiết khắc nghiệt tác động lớn đến nền kinh tế, nhưng một số lĩnh vực nhất định có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn những lĩnh vực khác.
Hàng không là một ví dụ. Hơn 5.000 chuyến bay trên khắp Mỹ đã bị hoãn hoặc hủy bỏ vào ngày 26/6 khi những cơn bão mạnh tàn phá các vùng của nước Mỹ. Chuyến bay bị trễ thường dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn. Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) ước tính chi phí dự phòng của các hãng hàng không vào khoảng 33 tỷ USD vào năm 2019.
Mùa xuân năm nay, Southwest Airlines cho rằng thời tiết khắc nghiệt là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các hãng hàng không sau khi gián đoạn do bão vào tháng 12/2022 đã khiến hãng này thiệt hại gần 1,2 tỷ USD.
Giám đốc tài chính của Southwest Airlines, ông Andrew Watterson cho biết: “Cho dù đó là bão, thời tiết mùa đông hay mưa, giờ đây chúng ta cần có một quy trình lập kế hoạch, trong đó tính đến các hậu quả vượt xa những gì chúng ta đã thấy trước đây”.
Các ngành nông nghiệp, xây dựng, du lịch và năng lượng tái tạo cũng có xu hướng chịu tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ở Texas, chi phí điện năng đã tăng 100% trong một số trường hợp khi đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhu cầu điện cao hơn, làm tăng đáng kể chi phí hộ gia đình.
Bảo hiểm lũ lụt và bảo hiểm nhà cửa cũng trở nên cần thiết nhưng thường không thể đạt được. Các chuyên gia lo ngại chi phí bảo hiểm sẽ chỉ cao hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng cả bão và các trận mưa cực đoan.
Các công ty bảo hiểm lớn hầu như đã rút khỏi thị trường Florida, khiến các chủ nhà phải trả phí bảo hiểm cao gần gấp bốn lần so với những nơi khác trong nước Mỹ. Rủi ro do bão là một phần của vấn đề của Florida. Bão Ian năm 2022 là cơn bão gây thiệt hại nhiều nhất từng đổ bộ vào bang này.
Ông Mankin cho biết: “Chúng ta thực sự kém thích nghi với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hiện nay. Điều đó cũng đúng với nền kinh tế của chúng ta”.