Kinh tế Nga vượt lên những 'cơn gió ngược'

Hai năm sau khi hứng chịu các đợt trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế “xứ Bạch dương” không những không sụp đổ, mà ngược lại còn chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin TASS, năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới. Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh, điều rất quan trọng là động lực tăng trưởng đạt được dựa trên nội lực. Ưu tiên của nhà nước Nga vẫn là tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Nga cũng như hạnh phúc của gia đình họ.

Trong báo cáo tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2023. Con số này cao hơn đáng kể so với Vương quốc Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu - EU (0,9%). Tương tự, thâm hụt ngân sách của Nga được duy trì ở mức dưới 1% GDP, so với 5,1% GDP ở Anh và 2,8% GDP ở EU.

Theo dữ liệu từ Nga, sau đợt suy thoái năm 2022, nền kinh tế nước này hiện đang tăng trưởng.

Một trong những lý do giải thích cho khả năng phục hồi tương đối này là ngân hàng trung ương độc lập, mạnh mẽ của Nga. Kể từ năm 2022, họ đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn (hiện ở mức 16%) để kiểm soát lạm phát (vẫn ở mức trên 7%).

Điều này kết hợp với các biện pháp kiểm soát do chính phủ áp đặt khiến các nhà xuất khẩu Nga và nhiều công ty nước ngoài gần như không thể rút tiền ra khỏi đất nước. Bằng cách giữ cho đồng tiền được lưu thông bên trong nước Nga, những chính sách này đã giúp đồng ruble tránh khỏi kịch bản sụp đổ hoàn toàn,

Ông Sebastian Hoppe, chuyên gia về Nga tại trường Đại học Free University of Berlin, nhận định lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng đang hoạt động tốt một cách đáng ngạc nhiên, chẳng hạn như lĩnh vực ô tô. Các linh kiện đến từ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều sau khi người châu Âu rút khỏi Nga. Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Nga đang được giữ vững.

Chuyên gia của trường Đại học Free University of Berlin cho biết thêm: “Trung Quốc tất nhiên không chính thức tham gia vào các lệnh trừng phạt (đối với Nga), vì vậy có thể nói họ không phải là đối tác trừng phạt của các nước phương Tây".

Để tài trợ cho nhập khẩu, Nga cần thu nhập từ xuất khẩu khí đốt. Tuy nhiên, đôi khi nguồn thu này đã giảm đáng kể do lệnh cấm nhập khẩu của EU và việc khai thác khách hàng mới chỉ là sự thay thế một phần.

Nhà phân tích nghiên cứu năng lượng Giovanni Sgaravatti thuộc Viện Bruegel cho biết: "Khối lượng khí đốt được vận chuyển qua các đường ống (đến những khách hàng thay thế) rất khác so với những gì được vận chuyển đến EU hoặc có thể vận chuyển đến Trung Quốc. Và ngay cả các dự án cơ sở hạ tầng mới như Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) vẫn còn ở giai đoạn sơ khai".

Trong khi đó, doanh số bán dầu - nguồn thu xuất khẩu quan trọng thứ hai của Nga, vẫn nhiều như trước khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra, bất chấp các biện pháp trừng phạt của EU nhằm thực thi mức trần giá 60 USD/thùng.

Theo đạo luật ngân sách được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, nguồn thu của Nga trong năm 2024 dự kiến đạt hơn 35.000 tỷ ruble (gần 394 tỷ USD). Số liệu dự báo cho năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 2 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể sau khi nước này ghi nhận thu ngân sách kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023, dù phải chi tiêu đáng kể cho hoạt động quốc phòng, đồng thời chống chọi với loạt lệnh trừng phạt liên tiếp từ phương Tây. Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ.

Kinh tế Nga đứng vững còn do nước này biết cách đối phó với các lệnh trừng phạt. Gần một năm qua, Nga vẫn bán được dầu với giá sát thị trường, thay vì dưới 60 USD/thùng. Nhờ các nhà buôn tích cực gom tàu cũ và hàng loạt công ty mới gia nhập thị trường, Nga đã đưa được dầu đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá.

Nguồn tài nguyên khổng lồ cũng đang là "bộ đệm" vững chắc cho kinh tế Nga. Dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa như uranium vẫn có tầm quan trọng lớn trên toàn cầu. Mỹ hiện vẫn phải mua uranium từ Nga với số lượng lớn.

Ngày 21/2 các nước thành viên EU đã nhất trí mặt nguyên tắc cho gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga. "Cơn gió ngược" này sẽ là thách thức mới, nhưng cũng là "phép thử" sức bền và khả năng vượt khó của nước Nga.

Phương Nga/TTXVN (Tổng hợp)
Tổng thống V. Putin xác nhận tốc độ tăng trưởng 3,6% của nền kinh tế Nga
Tổng thống V. Putin xác nhận tốc độ tăng trưởng 3,6% của nền kinh tế Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ngày 12/2 xác nhận tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 là 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN