Trong khi duy trì đánh giá về nền kinh tế như tháng trước, Chính phủ Nhật Bản cũng tiếp tục nhấn mạnh cần chấm dứt giảm phát và cam kết hợp tác chặt chẽ với BoJ để đảm bảo “quản lý chính sách linh hoạt”. Báo cáo tháng Ba là báo cáo đầu tiên kể từ khi BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào ngày 19/3. Chính sách này đã được duy trì trong thập kỷ qua nhằm giải quyết tình trạng giảm phát kinh niên ở nước này.
Trước đây, Chính phủ Nhật Bản cho biết “kỳ vọng” BoJ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định, đồng thời nhấn mạnh sẽ “thúc đẩy chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng”. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nội các cho biết: "Chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tiến hành quản lý chính sách linh hoạt nhằm thích ứng với các xu hướng phát triển kinh tế và diễn biến giá cả".
Năm 2013, BoJ đã triển khai một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, đặc trưng của chương trình Abenomics dưới thời cố Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 này được coi là mang tính biểu tượng, song BoJ cho biết các điều kiện tài chính sẽ vẫn phù hợp, dựa trên triển vọng hiện tại của nền kinh tế.
Trong báo cáo tháng Ba, Văn phòng Nội các vẫn giữ quan điểm về nền kinh tế Nhật Bản trong tháng thứ hai liên tiếp, cho biết nền kinh tế đang "phục hồi với tốc độ vừa phải, mặc dù gần đây dường như đang tạm dừng". Nhưng Chính phủ Nhật Bản đã lạc quan hơn về chi tiêu vốn - yếu tố quan trọng của nhu cầu trong nước, khẳng định chỉ số này đang đi lên lần đầu tiên trong 17 tháng.
Trước đó, đầu tư vốn của doanh nghiệp Nhật Bản cao hơn kỳ vọng đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh nâng lên vào quý IV/2023, giúp nền kinh tế nước này tránh được suy thoái. Ngoài ra, Văn phòng Nội các cũng giữ nguyên đánh giá tổng thể về nền kinh tế toàn cầu trong tháng thứ 11 liên tiếp, khẳng định kinh tế toàn cầu “đang phục hồi mặc dù có sự yếu kém ở một số khu vực”.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc hợp lý hóa các khoản tài chính sau khi BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm do các khoản thanh toán lãi trái phiếu của nước này có khả năng tăng gấp ba lần trong thập kỷ tới.
Văn phòng Nội các Nhật Bản dự đoán trong kịch bản tăng trưởng cao, lãi suất dài hạn danh nghĩa của Nhật Bản sẽ tăng từ mức 0,6% trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào tháng 3/2024) lên 1,5% trong năm tài chính 2028. Khi đó khoản thanh toán lãi hàng năm tăng khoảng 50% lên 11.500 tỷ yen (76,2 tỷ USD) từ mức 7.600 tỷ yen cho năm tài chính hiện tại.
Cũng theo kịch bản này, lãi suất dài hạn sẽ đạt 3,4% trong năm tài chính 2033, nâng mức thanh toán lãi lên 22.600 tỷ yen.
Trái phiếu chính phủ đáo hạn phần lớn được tái cấp vốn thông qua phát hành trái phiếu mới. Lãi suất cao hơn có nghĩa chi phí trả lãi và tiền vay gốc các trái phiếu mới này cũng nhiều hơn, từ đó làm giảm khả năng đầu tư của chính phủ vào tăng trưởng trong tương lai. Việc đảm bảo rằng có thể tìm được những người mua đáng tin cậy cho những trái phiếu này là một mối quan tâm khác.
BoJ đã chi hơn 130.000 tỷ yen mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trong năm tài chính 2022. Con số này có thể giảm do ngân hàng cũng đã từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, vốn nhằm mục đích giữ lợi suất 10 năm của trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức khoảng 0%. Theo dữ liệu của BoJ, ngân hàng này đã nắm giữ 574.000 tỷ yen trái phiếu chính phủ tính đến cuối tháng 9/2023, tương đương 53,9%. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản như ngân hàng và công ty bảo hiểm nắm giữ 29,9%.
BoJ đã báo hiệu ý định tiếp tục mua trái phiếu chính phủ trong thời điểm hiện tại, có nghĩa tình trạng dư thừa trong ngắn hạn khó có thể xảy ra. Nhưng Thống đốc BoJ Kazuo Ueda ngày 20/3 cho biết ngân hàng sẽ xem xét thu hẹp bảng cân đối kế toán trong tương lai.
Chuyên gia Chotaro Morita của công ty quản lý tài chính All Nippon Asset Management, cho biết BoJ có thể giảm quy mô mua trái phiếu trước khi thực hiện một đợt tăng lãi suất khác.
Một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết câu hỏi lớn là ai sẽ mua trái phiếu chính phủ khi BoJ bắt đầu giảm lượng nắm giữ. Một quan chức khác cho hay các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể đổ xô trở lại với tài sản này, khi lãi suất về lại vùng dương.
Về phần mình, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) ngày 15/3 thông báo các công ty lớn nhất nước này nhất trí tăng 5,28% lương cho người lao động, mức tăng lương cao nhất trong 33 năm tại nước này. Trước đó, Rengo cho biết lao động tại các công ty lớn đề xuất tăng lương cơ bản 5,85%/năm, vượt mốc 5% lần đầu tiên trong 30 năm. Nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 7 triệu người lao động này lại đặt mục tiêu "nhẹ nhàng" hơn là tăng 3%. Giới phân tích dự báo về mức tăng hơn 4% - cũng là mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990, sau khi các công ty lớn quyết định tăng lương 3,6% vào năm ngoái.
Trong khi đó, những nhà hoạch định chính sách hy vọng việc tăng mạnh lương sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Cuối năm ngoái, kinh tế Nhật Bản gần rơi vào suy thoái.
Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn đợt tăng lương lần này sẽ ảnh hưởng phần nào đến các công ty vừa và nhỏ, vốn chiếm 99,7% tổng số công ty và khoảng 70% lực lượng lao động. Đa số các công ty nhỏ hơn dự kiến kết thúc các cuộc đàm phán về lương vào cuối tháng 3/2024.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do dân số già hóa và lực lượng lao động sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quyết định tăng lương cho người lao động, song mức lương tăng vẫn không đủ để bắt kịp lạm phát. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đến nay đã giảm 22 tháng liên tục.
Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy các doanh nghiệp tăng lương để giúp kinh tế khỏi tình trạng giảm phát, chấm dứt tình trạng mức tăng lương tại Nhật Bản thấp hơn so với trung bình các nước thành viên khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nền kinh tế nước này đã thoát khỏi suy thoái, nhờ GDP sau điều chỉnh theo lạm phát trong quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo trước đó, GDP của Nhật Bản giảm 0,4%, khiến nước này đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới đã duy trì trong hơn một thập kỷ. Trong quý IV/2023, GDP được điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản tăng 0,1% so với quý trước đó, trong khi được dự báo giảm 0,1%.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đánh giá nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên các hộ gia đình. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp hơn 50% quy mô nền kinh tế Nhật Bản, giảm 0,3%, so với mức giảm 0,2% theo báo cáo trước. Mặt khác, chi phí vốn cũng đã tăng 2%, được điều chỉnh tăng từ mức giảm 0,1%.