Theo dự báo của BoF, nền kinh tế lớn thứ 2 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ theo chiều hướng giảm 10,3% trong năm nay trước khi trở lại đà tăng trưởng 6,9% vào năm 2021 và 3,9% vào năm tiếp theo. Trong năm nay, ước tính gần 1 triệu người ở Pháp bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021.
BoF cho rằng triển vọng kinh tế Pháp có thể tươi sáng hơn nếu tình hình dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra đợt bùng phát dịch thứ 2, kinh tế Pháp có thể sụt giảm mạnh hơn nữa ở mức 16% trong năm nay, sau đó chỉ tăng 6% vào năm 2021 và 4% vào năm 2022. Dự báo này chưa tính đến tác động tiềm tàng của kế hoạch phục hồi mà Chính phủ Pháp dự kiến công bố trong vài tháng tới.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Tổng thống Emmanuel Macron đã áp đặt các biện pháp phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu từ giữa tháng 3, động thái gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp.
Trong khi đó, tại Đức, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2020 đã giảm mạnh 24% so với tháng trước đó, xuống 75,7 tỷ euro, khi nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu đang "cảm nhận" được toàn bộ tác động của việc phong tỏa trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo số liệu của cơ quan thống kê liên bang Destatis công bố ngày 9/6, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Đức trong tháng 4 vừa qua đã giảm 31,1%, mức sụt giảm lớn nhất trong 1 tháng kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê số liệu này hồi năm 1950. Trong khi đó, thặng dư thương mại, vốn bị các đối tác chỉ trích là dấu hiệu của sự mất cân bằng kinh tế từ trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh, đã giảm xuống còn 3,2 tỷ euro trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000 và thấp hơn nhiều so với mức 17,8 tỷ euro trong cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do nhập khẩu giảm chậm hơn so với xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4/2020 của Đức đã giảm 16,5% so với tháng trước đó, xuống 72,2 tỷ euro.
Tại Italy, cơ quan thống kê quốc gia ISTAT nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sụt giảm trong năm 2020 và sẽ phục hồi dần vào năm 2021, trong khi tiêu dùng của các hộ gia đình giảm mạnh và thất nghiệp gia tăng là bức tranh về triển vọng kinh tế Italy.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo “Triển vọng kinh tế Italy” của ISTAT công bố ngày 8/6 cho thấy GDP của Italy sẽ giảm mạnh 8,3%trong năm 2020 và dần phục hồi vào năm 2021, ước tính ở mức 4,6%. Theo báo cáo, sự lây lan của dịch COVID-19 và các biện pháp khẩn cấp nhằm kiềm chế dịch bệnh của Chính phủ Italy đã tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước này. Đây là một cú sốc chưa từng có đối với Italy. Trong khi đó, ISTAT dự báo tiêu dùng hộ gia đình năm 2020 giảm 8,7%, cùng với đầu tư giảm mạnh 12,5%, trong khi chi tiêu công lại tăng 1,6%. Số người thất nghiệp trong 4 tháng đầu năm tăng 500.000 người so với cùng kỳ năm 2019.