Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn THX, người đứng đầu Ngân hàng Thương mại Syria (CBS) Ahmed Diab cho biết, hai năm sau cuộc chiến tranh ở Syria, nền kinh tế nước này vẫn "khá ổn" do không có nợ xấu trước đó, và Syria có khả năng sẽ sớm vượt qua được khủng hoảng hiện nay. Ngân hàng trung ương Syria. Ảnh Internet
|
Cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria đã để lại những hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế nước này và theo một số báo cáo kinh tế gần đây, đã gây tổn thất cho nền kinh tế Syria tổng cộng lên tới 220 tỷ USD. Các lệnh trừng phạt kinh tế của một số nước đối với Syria đã đẩy nhanh thêm nguy cơ suy sụp của nước này, trong đó lĩnh vực ngân hàng là mục tiêu chính của những lệnh cấm vận. Ông Diab thừa nhận rằng các lệnh trường phạt đã tác động mạnh đến ngành ngân hàng và ngành này hiện đang đối mặt với "khá nhiều vấn đề trong quá trình chuyển đổi". Đồng bảng của Syria đã mất 50% giá trị trong khi giá cả phần lớn hàng hóa và lương thực thực phẩm đã tăng lên gấp đôi, ba lần.
CBS - thành lập năm 19 sau khi chính phủ quốc hữu hóa các ngân hàng tư nhân - năm ngoái đã cố duy trì sự ổn định tỷ giá của đồng bảng Syria so với đồng USD. Sau những thành công ban đầu, 3 tháng trở lại đây, đồng bảng Syria lại giảm giá mạnh và những nỗ lực trên của CBS trở nên vô ích. Hiện trên chợ đen 1 USD giá đổi được 106 bảng Syria - mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Trong khi vào ngay trước khi xảy ra khủng hoảng, 1 USD đổi được 46 bảng. Tuy nhiên, ông Diab khẳng định rằng ngân hàng trung ương nước này vẫn đang tiếp tục chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Ông Diab cũng cho rằng những gì diễn ra ở Syria còn tồi tệ hơn ở Irắc và các nước khác, song nền kinh tế Syria lại khá ổn so với các nước trong cùng tình cảnh đó. Ông nói, ưu tiên của chính phủ và Ngân hàng trung ương Syria là giữ ổn định tỷ giá đồng bảng và bảo vệ đồng tiền này.