Kinh tế Thái Lan có thể thiệt hại hơn 12 tỷ USD do phong tỏa kéo dài 

Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ước tính việc kéo dài thời gian phong tỏa và mở rộng “vùng đỏ sẫm" lên 29/77 tỉnh trên toàn quốc sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 300-400 tỷ baht (9,1-12,1 tỷ USD) do các hoạt động kinh tế bị ngừng trệ.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng tiện ích ở Bangkok, ngày 19/7/2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Thái Lan ngày 1/8 đã gian hạn các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ ngày 12/7 thêm 2 tuần nữa, đồng thời đưa thêm 16 tỉnh khác vào danh sách những địa phương thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát tối đa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson nói rằng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau cùng các biện pháp cứng rắn khác vẫn sẽ được áp dụng ở thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác trong 2 tuần kể từ ngày 3/8.

CCSA sẽ đánh giá lại tình hình vào ngày 18/8 và rất có thể việc gia hạn sẽ kéo dài cho đến ngày 31/8 nếu tình hình không được cải thiện.

Như vậy, sau ngày 3/8, “vùng đỏ sẫm” kiểm soát tối đa ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng tới một khu vực chiếm 40% dân số và 3/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo Chủ tịch TCC Sanan Angubolkul, thiệt hại từ các biện pháp phong tỏa và kiểm soát ở 29 tỉnh “vùng đỏ sẫm” ước tính khoảng 300-400 tỷ baht mỗi tháng. Vì các tỉnh thuộc “vùng đỏ sẫm” mới được công bố thêm là các trung tâm kinh doanh và địa điểm của các khu công nghiệp như Nakhon Ratchasima, Rayong, Saraburi và Samut Songkram.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Suphan Mongkolsutee nhận xét việc Chính phủ Thái Lan gia hạn phong tỏa không phải là bất ngờ dựa trên xu hướng lây nhiễm. Nhưng việc đưa thêm nhiều tỉnh vào “vùng đỏ sẫm” sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực sản xuất.

Ông Suphan nói thêm rằng các tỉnh “vùng đỏ sẫm” chiếm 70-80% năng lực sản xuất chung của cả nước. Việc các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngày càng gia tăng sẽ cản trở các hoạt động kinh tế hơn nữa.

Ngoài ra, nếu không có đủ phương tiện xét nghiệm nhanh và tiêm chủng cung cấp cho người dân ở các tỉnh này, điều đó có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở các khu vực phong tỏa.

Tuần trước, Bộ Tài chính Thái Lan lần thứ ba trong năm nay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức 2,3% xuống còn 1,3% cho cả năm 2021, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ ba khiến số ca mắc mới và tử vong hàng ngày tăng đột biến.  

Thái Lan ngày 2/8 ghi nhận thêm 17.970 ca mắc mới COVID-19 cùng 178 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca mắc từ đầu dịch lên 604.421, trong đó có 5.1 người không qua khỏi. Chỉ riêng làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát từ đầu tháng 4 tới nay đã cướp đi sinh mạng của 5.077 người.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Bangkok)
Thái Lan gia hạn biện pháp hạn chế đến cuối tháng 8
Thái Lan gia hạn biện pháp hạn chế đến cuối tháng 8

Ngày 1/8, các nguồn tin chính phủ cho biết Thái Lan đã gia hạn các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao cho đến cuối tháng 8 nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh khi nước này đối phó với đợt bùng phát lớn nhất cho đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN