Kinh tế thế giới: Nhìn lại 2010,hướng tới 2011

Năm 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của nền kinh tế thế giới xét trên phương diện vĩ mô. Đã có nhiều sóng gió tưởng chừng đánh đắm con thuyền kinh tế, song những gì mà người ta lo sợ nhất cuối cùng đã không (hoặc chưa) xảy ra.


Kinh tế Trung Quốc không nổ tung vì bong bóng lạm phát. Mỹ không bị đẩy ngược trở lại suy thoái. Quả bom “chiến tranh tiền tệ” được tháo ngòi kịp thời. Đám cháy khủng hoảng nợ công ở Eurozone tạm thời bị khống chế. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu bước sang năm 2011 vẫn còn nhiều nguy cơ treo lơ lửng.

2010: Năm nhiều biến cố

Năm qua là năm thứ hai các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục chật vật vượt qua những khó khăn thách thức gây ra bởi cuộc khủng hoảng – suy thoái lớn nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái trong thập niên 1930.


Điểm qua các biến cố lớn không thể không nhắc đến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu với nạn nhân đầu tiên là Hy Lạp (tháng 4), tiếp đến là Ailen (tháng 1

Sự chi tiêu thái quá của chính phủ các nước này đã khiến ngân sách bị thâm thủng nặng nề, dẫn đến mất khả năng trả nợ và không còn uy tín để đi vay trên thị trường quốc tế.


Cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ đe dọa các nước khu vực đồng euro, nơi đồng tiền chung đang đối mặt với một nguy cơ tồn vong, mà còn đe dọa nhiều chính phủ khác trót chi tiêu “vung tay quá trán” cho các chương trình kích cầu.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ tạo ra điểm nhấn tiếp theo trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2010. Lần đầu tiên khái niệm “chiến tranh tiền tệ” thế chỗ khái niệm “cuộc chiến tỷ giá đồng nhân dân tệ” sau khi các nước đua nhau giảm giá nội tệ để kích thích xuất khẩu.


Các thị trường ngoại hối biến động mạnh. Nếu không có sự lên tiếng kịp thời của các chuyên gia thì không biết cuộc chạy đua nguy hiểm này sẽ dẫn tới đâu.

Để nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, các chính phủ còn ganh nhau tung ra các chương trình kích thích tăng trưởng, tạo ra những lượng thanh khoản ào ạt bơm vào nền kinh tế.


Đồng thời, các ngân hàng trung ương tìm cách duy trì lãi suất thấp kỷ lục để kích cầu đầu tư. Chính sách tiền tệ nới lỏng đến cực điểm là một điểm nhấn nữa trong nền kinh tế thế giới năm qua. Nó tạo ra các luồng “tín dụng nóng” đổ về các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát và kiểm soát chính sách tiền tệ đang là bài toán đau đầu.

Cảnh sát Hy Lạp tham gia biểu tình tại Athens ngày 14/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Các chương trình kích cầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa tăng mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá vàng. Giá kim loại quý này đã vượt ngưỡng kỷ lục của mọi thời đại là 1.400 USD/ounce vào tháng 11 và đang đe dọa tiếp tục leo thang.


Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn đang đà hồi phục, song giá vàng tăng phản ánh sự thiếu lòng tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô.

Tại Trung Quốc, lạm phát tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng lên 5,1%, mức cao kỷ lục trong 28 tháng. Quốc gia này vừa ghi một dấu ấn lớn lao sau khi vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, lạm phát cao sẽ khiến mọi thành quả tăng trưởng GDP trở nên vô nghĩa, nhất là với người nghèo.

Năm 2010 khép lại với một loạt nền kinh tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng và các nhà quan sát liên tục nâng dự báo tăng trưởng của năm. Giữa năm 2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, trong năm 2010 kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 1,9%, trong đó các nước phát triển hầu như giậm chân tại chỗ.


Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, tổ chức này ước tính sản lượng nền kinh tế toàn cầu tăng tới 4,8%, cao hơn trung bình mấy năm gần đây. Tăng trưởng GDP của nhóm các nước phát triển ước đạt hơn 2,7% và của nhóm các nước đang phát triển đạt 7,1%.

Cùng với tốc độ tăng GDP nhanh hơn dự đoán, nền kinh tế toàn cầu trong năm qua cũng lấy lại được nhiều tài sản đã mất trong cuộc khủng hoảng “cả đời người mới gặp một lần”. Sản lượng công nghiệp và giá trị thương mại toàn cầu đã trở lại mức đỉnh cao đạt được hồi giữa năm 2008.


Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), thương mại toàn cầu tăng 12,3% trong năm qua và sẽ tiếp tục tăng 8,3% trong năm tới, nhất là ở các nước châu Á và Braxin. Điều này cho thấy cuộc suy thoái đã không làm sống lại những “thây ma chủ nghĩa bảo hộ thương mại” như nhiều người từng lo sợ.

Cuộc suy thoái kinh tế vừa qua cũng không để lại hậu quả khốc liệt đối với lĩnh vực việc làm. Một điểm khá ngạc nhiên là tình trạng thất nghiệp ở Đức liên tục giảm xuống trong suốt thời gian xảy ra suy thoái.


Thậm chí tháng 10/2010, số người thất nghiệp ở nước này lần đầu tiên trong 18 năm qua còn giảm xuống dưới 3 triệu người. Tại các nền kinh tế lớn khác của EU, tốc độ gia tăng của đội quân thất nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ suy giảm GDP.

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GDP thế giới trong năm 2010 là nhóm các nền kinh tế đang nổi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như tốc độ tăng GDP ước tính toàn cầu là 3,3% thì nhóm các nước đang phát triển đạt 6,2%, trong đó Trung Quốc đạt 9,6%. Điều này chứng tỏ các nền kinh tế đang phát triển không còn hoàn toàn lệ thuộc vào người tiêu dùng ở các nước phát triển như trước nữa.

Ngoài ra, thực tế trên còn phản ánh một sự thay đổi lớn về vai trò và vị trí tương quan giữa các nền kinh tế trên thế giới. Nhóm các cường quốc G7 đã không thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc xử lý những vấn đề mang tính toàn cầu như trước.


Thay vào đó họ cần tới các thành viên còn lại trong Nhóm G20 – tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi – để cùng bàn bạc, trao đổi và phối hợp trong các chính sách đối phó với khủng hoảng.

Đặc biệt trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận sự ảnh hưởng lớn lao của khối BRIC (bao gồm các nước đang trỗi dậy mạnh mẽ là Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và tiếp đến là khối CIVET (bao gồm các ngôi sao đang lên là Côlômbia, Inđônêxia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi).

2011: Còn đó những nguy cơ

Nền kinh tế thế giới bước sang năm 2011 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhưng vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ lớn từ năm trước để lại chưa được giải quyết rốt ráo.


Chúng bao gồm nguy cơ tái diễn khủng hoảng ở các nền kinh tế phát triển, sự hồi phục yếu kém của thị trường nhà đất ở Mỹ, tình trạng nợ công ở châu Âu, lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển và xung đột chính sách tiền tệ làm dấy lên chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trong số đó, đáng chú ý nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và nguy cơ lạm phát ở các nền kinh tế đang nổi, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Áchentina. Dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế toàn cầu vẫn khá dồi dào do các nước phát triển duy trì lãi suất cực thấp, đồng thời Mỹ và Nhật Bản tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các đợt bơm tiền mới.


Trong năm qua, một số nước đang phát triển đã bắt đầu tìm cách siết chặt tín dụng, nhưng chủ yếu là để ngăn chặn luồng “tín dụng nóng” từ bên ngoài và giảm bớt sức ép tăng giá nội tệ. Ngoài ra, các biện pháp kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, dự báo cho năm 2011 giới phân tích cùng chung nhận định đà hồi phục của kinh tế thế giới sẽ được duy trì, cho dù không được mạnh mẽ như năm 2010.


Chỉ số môi trường kinh doanh hiện đang khá tốt, phản ánh trung thực sự kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Sức mua tiêu dùng vẫn còn khá dư dả.


Mặc dù nhiều nước bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ, luồng tín dụng vẫn tiếp tục dồi dào, tạo sức bật cho các thị trường chứng khoán. Tại Mỹ, sự hồi phục mạnh mẽ của khối tư nhân sẽ giúp hồi sinh thị trường việc làm và thúc đẩy đầu tư vốn, qua đó củng cố thị trường nhà đất và doanh số bán lẻ.


Tại châu Âu, “cỗ xe tăng Đức” sẽ tiếp tục kéo khu vực già cỗi này tiến lên.

Trong báo cáo sơ bộ đưa ra đầu tháng 12/2010, Liên hợp quốc ước GDP toàn cầu năm 2011 sẽ tăng khoảng 3,1%. Mức tăng này thấp hơn đôi chút so với năm 2010 và thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để lấy lại số việc làm đã bị cuộc suy thoái lấy mất.


Báo cáo viết: “Tốc độ hồi phục của nền kinh tế thế giới đã bắt đầu mất động lực kể từ giữa năm 2010, và mọi chỉ số đều cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ yếu hơn”. Một trong số những nguyên nhân tốc độ hồi phục yếu dần là các nước lớn không có sự phối hợp cần thiết về chính sách tiền tệ, khiến thị trường mất lòng tin.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng dự báo tăng trưởng của các thành viên nhóm này trong năm 2011 là 2,3%. OECD cho rằng tiến trình hồi phục của nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều nguy cơ, trong đó nổi bật là tình trạng nợ công cao ở châu Âu và sự mất thăng bằng trong cán cân thương mại sau khi một số nước bắt đầu theo đuổi các biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, nhờ cầu nội địa mạnh, các nước này sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ hơn nhiều so với nhóm phát triển. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt tốc độ ngoạn mục 10%, Ấn Độ đạt 8,4%, Nga 4,3% và Braxin 4,1% (theo IMF).


Tuy nhiên, tăng trưởng chung của khu vực Đông Á sẽ giảm nhẹ so với năm 2010 do sự suy yếu chung của nền kinh tế toàn cầu và sự giảm nhiệt của các gói kích cầu.

Tại châu Âu, hai đầu tàu Đức và Pháp sẽ không còn sung sức trong bối cảnh phía sau là những toa tàu rệu rã. Nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,2%, trong khi tại Pháp tỷ lệ này là 1,6% (theo EC).


Các thành viên là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ công sẽ trải qua một giai đoạn nghiệt ngã do buộc phải thực hiện những chính sách chi tiêu khắc khổ. Hy Lạp sẽ có năm suy thoái thứ hai, mặc dù nhẹ hơn năm 2010. Với quy mô kinh tế lớn thứ 5 khu vực, Tây Ban Nha đang rất lo lắng nếu nước này phải chìa tay xin cứu trợ thì EU sẽ huy động vốn ra sao.

Triển vọng kinh tế của các khu vực Trung Đông và Bắc Phi hiện vẫn lành mạnh, mặc dù việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô sẽ tiềm ẩn những rủi ro một khi thị trường mặt hàng này xáo động.


Sau cuộc khủng hoảng vừa qua, các nước này đều hồi phục nhanh nhờ giá dầu thô tăng cao. Tuy nhiên, chỉ có Arập Xêút hồi phục nhanh nhất nhờ nguồn tài chính khổng lồ bỏ vào cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội. Một số nước khác như Ai Cập và Libăng bị ảnh hưởng ít hơn nhờ hệ thống tài chính chưa bắt sâu với phương Tây.

Các nước Mỹ Latinh và Caribê cũng sẽ được lợi nhờ xuất khẩu tăng đều đặn, kèm theo giá hàng hóa vẫn cao. Tăng trưởng GDP năm tới được dự báo vào khoảng 4%, so với 5,6% năm 2010 (LHQ). Đặc biệt, Braxin với sức cầu tiêu thụ bùng nổ sẽ tiếp tục là điểm tựa cho các nước láng giềng đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại hội nghị thường niên của IMF hồi tháng 10/2010, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã có một nhận xét về kinh tế toàn cầu năm 2010 và triển vọng năm 2011: “Bất chấp một số bước tiến quan trọng... tôi cho rằng với hầu hết các nước, nhiệm vụ phục hồi và sửa chữa nền kinh tế còn lâu mới hoàn thành”.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN