Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 10 năm tới?

Năm 2010, Trung Quốc đã bất ngờ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tạp chí “Nhà Kinh tế” (Anh) mới đây nhận định xét về các yếu tố tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2020.

Tạp chí “Nhà Kinh tế” (Anh) mới đây nhận định GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2020. Minh họa: Internet


Theo bài báo trên, để trả lời câu hỏi khi nào GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ phụ thuộc vào yếu tố tỷ giá hối đoái được tính như thế nào. Các phân tích và dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế và bảng GDP ước tính của nhà sử học kinh tế Angus Maddison dựa trên chỉ số so sánh sức mua ngang giá (PPP), trong đó tính đến các dịch vụ phi thương mại có giá rẻ hơn ở nước nghèo hơn. Theo cách tính này, quy mô kinh tế của Trung Quốc đang bám rất sát với Mỹ và có thể vượt Mỹ vào năm 2016. Tuy nhiên, nếu tính giá trị tuyệt đối bằng đồng USD, chưa kể nếu tính chỉ số GDP/đầu người, thì GDP của Trung Quốc còn tụt hậu rất xa so với Mỹ. GDP năm 2010 của Mỹ là 14.500 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc mới là 5.900 tỷ. Khoảng cách này được thu hẹp nhanh hay chậm phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tốc độ tăng trưởng GDP tương đối của Trung Quốc và Mỹ; chênh lệch lạm phát giữa hai nền kinh tế; sự tăng/giảm giá của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD.

Dựa trên những giả định hợp lý đối với 3 yếu tố nói trên, GDP của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới. Nền kinh tế này tăng trưởng trung bình hơn 10% trong thập kỷ qua. Cùng với sự thịnh vượng gia tăng và lực lượng lao động bắt đầu giảm sút, tốc độ tăng GDP này sẽ sớm giảm xuống còn 8%. Với kinh tế Mỹ, tính toán cho thấy tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm xuống còn 2,5%.

Lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng nhanh, thường cao hơn ở các nước phát triển, tăng trưởng chậm. Đó là do năng suất lao động tăng nhanh trong các ngành xuất khẩu sẽ khiến chi phí nhân công tăng theo, kể cả các ngành dịch vụ phi thương mại, nơi năng suất lao động thường tăng chậm. Chu trình này sẽ khiến lạm phát trung bình gia tăng. Dự đoán lạm phát ở Trung Quốc sẽ ở mức khoảng 4%, so với 2% ở Mỹ.

Nhân tố thứ ba là tỷ giá hối đoái. Để có thể bắt kịp Mỹ, Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng tiêu dùng trong nước. Việc này đòi hỏi tỷ giá hối đoái thực phải tăng lên. Có thể đạt được một phần mục tiêu này nhờ lạm phát của Trung Quốc cao hơn các đối tác thương mại. Tuy nhiên, cán cân thương mại thặng dư của Trung Quốc và thâm hụt của Mỹ hiện nay cho thấy đồng NDT sẽ phải lên giá và đồng USD sẽ yếu đi. Theo tính toán, đồng NDT sẽ tăng thêm 3%/năm so với đồng USD và lạm phát của Trung Quốc sẽ cao hơn ở Mỹ 2%. Như vậy tốc độ lên giá của đồng NDT sẽ giảm xuống so với hiện nay.

Nếu các dự đoán trên thành hiện thực, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2020. Còn nếu các yếu tố giả định là GDP Trung Quốc tăng 6%/năm, GDP của Mỹ tăng 3% và đồng NDT lên giá 2%/năm, mốc thời gian này sẽ là năm 2024.

Vũ Hội
(P/v TTXVN tại Luân Đôn)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN