Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/4 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2021 đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Dù đây là mức tăng trưởng quý kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo 19% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Theo NBS, trong 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc hồi phục vững chắc trong khi doanh thu thị trường cải thiện, hoạt động đầu tư tài sản cố định phục hồi và xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể. Ngoài ra, cơ sở so sánh là mức tăng trưởng âm của quý I/2020 (-6,8%) cũng là lý do giúp tăng trưởng trong quý I/2021 đạt mức 2 chữ số.
Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng trong 3 quý cuối năm 2020 nhờ các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, với tốc độ lần lượt đạt 3,2% trong quý II, 4,9% trong quý III và 6,5% trong quý IV. Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế Trung Quốc được cho là từ hoạt động xuất khẩu khi các nhà máy tại quốc gia này chạy đua để đáp ứng những đơn hàng từ nước ngoài trong khi đó tiêu dùng nội địa cũng tăng mạnh.
Marco Sun, nhà phân tích thị trường tài chính của Ngân hàng MUFG ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận định hoạt động kinh tế nước này trong quý I/2021 khởi động tốt, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, hiện là ngành chống lưng cho quá trình phục hồi kinh tế tại Trung Quốc. Theo chuyên gia này, trọng tâm trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ là làm sao duy trì đà tăng trưởng và quản lý rủi ro tài chính. Về vấn đề quản lý rủi ro tài chính, chuyên gia của ngân hàng Thượng Hải cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ siết chặt định lượng thông qua hướng dẫn về tăng trưởng tín dụng trong quý II/2021 và có thể là trong thời gian tiếp sau đó.
Về phần mình, người phát ngôn NBS Liu Aihua nhận định những số liệu trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có một khởi đầu thuận lợi, tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng quý vững chắc. Tuy nhiên, bà Liu cũng thận trọng cảnh báo kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chịu tác động khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Qu Hongbin của ngân hàng HSBC cho rằng chặng đường phục hồi kinh tế Trung Quốc còn nhiều điều chưa chắc chắn, trong đó mảng tiêu dùng cá nhân vẫn trì trệ do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Theo chuyên gia này, một khi các dữ liệu so sánh nền tảng tăng dần thì tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm về dưới các mức trước khi đại dịch bùng phát.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2021. Tuy nhiên giới chuyên gia dự báo nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng khoảng 8,6%. Trong năm 2020, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3%, mức thấp nhất trong 44 năm. Tuy nhiên Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được tăng trưởng âm trong năm này nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp trở lại mạnh mẽ và hoạt động xuất khẩu tốt hơn dự kiến trong bối cảnh các thị trường khác trên thế giới hầu như tê liệt vì đại dịch COVID-19.