Bãi rác có diện tích 2 km2 nằm ở miền Bắc Kuwait, cách tỉnh Al-Jahra khoảng 5 km, đã tồn tại 17 năm qua và chứa hơn 40 triệu lốp xe đã bị thải loại. Kể từ năm 2012-2020 đã xảy ra 3 vụ cháy lớn tại bãi phế liệu này, các cột khói có thể nhìn thấy từ vệ tinh, gây ra những mối quan ngại về môi trường, khiến nhà chức trách quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ quyết định đóng cửa vĩnh viễn “nghĩa địa lốp xe” này.
Chính phủ Kuwait bắt đầu tạo ra nghĩa địa lốp xe từ khoảng 30 năm trước để giải quyết vấn đề lốp xe cũ đã qua sử dụng. Họ đào các hố rộng trên sa mạc để chôn lốp xe. Khi xảy ra cháy, khói từ lốp xe tạo ra chất dioxin và nhiều chất độc khác. Nếu vô tình hít vào, con người có nguy cơ bị ung thư, hen suyễn và nhiều bệnh lý khác.
Bộ trưởng Dầu mỏ Mohammed al-Fares ngày 29/8 cho biết Kuwait đã bắt đầu triển khai dự án xây dựng thành phố Saad Al-Abdullah. Trong những tháng qua, hơn 44.000 chuyến xe tải đã vận chuyển số lốp xe phế liệu ở bãi rác trên đến nơi lưu trữ tạm thời ở vùng Al-Salmi, gần khu công nghiệp của Kuwait. Theo quan chức này, kho lưu trữ tạm thời trên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống cháy nổ, và số lốp xe phế liệu sẽ được tái chế để sử dụng ở trong nước hoặc xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Sheikh Abdullah Al-Sabah, một quan chức môi trường của Kuwait, cho biết nước này có kế hoạch tái chế tất cả những lốp xe phế thải nhằm tránh lặp lại tình trạng cần đến một “nghĩa địa lốp xe” khác như trên. Ông cho biết thêm hiện nay, Kuwait đã có một nhà máy tái chế lốp xe và hy vọng sẽ có thêm 1 nhà máy như thế nữa để giúp giải quyết vấn đề xử lý lốp xe phế liệu.
Bà Alaa Hassan, một lãnh đạo cấp cao của công ty tái chế EPSCO, cho biết công ty này sử dụng lại nguyên liệu từ lốp xe để làm đường và vỉa hè. Theo bà, EPSCO có khả năng tái sử dụng khoảng 2 triệu lốp xe phế thải mỗi năm cùng với sự hợp tác của các nhà máy khác.