Cuộc tổng tuyển cử này diễn ra trong bối cảnh chính phủ chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và vương quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Kuwait đã thực thi những quy định nghiêm ngặt nhất trong số các nước Vùng Vịnh nhằm chống dịch COVID-19 như áp đặt phong tỏa trong nhiều tháng hồi đầu năm nay. Nước này vẫn đang quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch. Những người nhiễm bệnh hoặc phải cách ly bắt buộc thường tự cách ly tại nhà và phải đeo một chiếc vòng tay giám sát mọi di chuyển. Tuy nhiên, nhằm tôn trọng quyền bầu cử của những cử tri này, chính quyền đã thiết kế 5 điểm bầu cử dành riêng cho họ trong tổng số 102 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Dù đã xuất hiện một số dấu hiệu dịch giảm bớt, nhưng các sự kiện tranh cử vốn có truyền thống thu hút hàng nghìn người đã không được tổ chức trong mùa bầu cử năm nay. Với hơn 143.000 ca nhiễm từ khi dịch bùng phát đến nay, trong đó có 886 ca tử vong, chiến dịch tranh cử năm nay không sôi nổi như các năm trước và chủ yếu diễn ra trên không gian mạng và truyền thông.
Theo ủy ban bầu cử, hơn 567.000 cử tri sẽ lựa chọn trong số 326 ứng cử viên, trong đó có 29 nữ, để bầu ra 50 nghị sĩ. Kết quả sẽ được công bố vào sáng 6/12. Dự báo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng sẽ thấp hơn so với các cuộc tổng tuyển cử trước do dịch.
Kuwait là quốc gia Arab đầu tiên ở Vùng Vịnh phê chuẩn hệ thống nghị viện từ năm 1962, với một cơ quan lập pháp do dân bầu ra theo nhiệm kỳ 4 năm và được hưởng các quyền lập pháp rộng rãi. Từ năm 2005, phụ nữ Kuwait được quyền đi bỏ phiếu và ứng cử vào quốc hội.
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi tân Quốc vương Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah lên kế nhiệm sau khi Quốc vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah qua đời ở tuổi 91. Sự kiện chính trị năm nay diễn ra trong bối cảnh quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản do giá dầu thấp cùng với tác động của đại dịch COVID-19 cũng như căng thẳng giữa các nước lớn trong khu vực là Saudi Arabia và Iran. Không chỉ vậy, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra giữa nội các và quốc hội đã dẫn đến những xáo trộn liên tục trong bộ máy chính phủ cũng như tình trạng giải tán quốc hội, đồng thời cản trở những nỗ lực đầu tư và cải cách.