Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhanh chóng cảnh báo bệnh nhân ung thư. Ông Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia nói: “Cố tình làm cho mình mắc COVID-19 với hy vọng nó sẽ chữa khỏi ung thư nhiều khả năng sẽ khiến bạn đi tới những ngày cuối cùng của cuộc đời hơn là chữa bệnh”.
Theo tờ Dailymail, mùa hè năm 2020, khi các bác sĩ tại bệnh viện ở Corwall (Anh) kiểm tra theo dõi bệnh nhân 61 tuổi mới bị chẩn đoán mắc ung thư cách đó vài tuần, họ phát hiện ra một điều lạ thường. Các khối u trong cơ thể bệnh nhân gần như biến mất hoàn toàn.
Ca bệnh lạ lùng này được mô tả lại trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Huyết học Anh. Khi mắc COVID-19, bệnh nhân chưa bắt đầu hóa trị để chữa bệnh ung thư Hodgkin– một loại ung thư hạch bạch huyết mà 2.100 người mắc/năm ở Anh.
Việc các tế bào ung thư đầy rẫy trong cơ thể đột ngột biến mất là một điều hoàn toàn bí ẩn.
Trường hợp khỏi ung thư ngẫu nhiên cũng từng xảy ra nhưng cực kỳ hiếm. Chỉ có vài chục ca được ghi nhận trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, có một khả năng khó tin để giải thích cho việc bệnh nhân không còn tế bào ung thư. Chỉ vài ngày sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân này nhập viện vì mắc COVID-19 nặng.
Sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người này bị viêm phổi do nhiễm virus. Ông phải thở ô xy và nằm viện 11 ngày rồi được về nhà, bình phục hoàn toàn.
Vài tuần sau, ông đi kiểm tra bệnh ung thư và ảnh chụp cắt lớp cho thấy không còn dấu vết tế bào ung thư.
Các bác sĩ kết luận một điều bất thường: COVID-19 đã tiêu diệt tế bào ung thư trong bệnh nhân bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch để không chỉ chống lại virus SARS-CoV-2 mà còn phá hủy cả tế bào ác tính.
Tiến sĩ Sarah Challoner, một trong các bác sĩ điều trị ung thư tại Bệnh viện Cornwall Hoàng gia, nói trong nghiên cứu: “Chúng tôi cho rằng COVID-19 đã kích hoạt phản ứng miễn dịch chống khối u”.
Bà Challoner cho rằng các tế bào T (tế bào chống viêm nhiễm) đã được hệ miễn dịch tung ra với số lượng lớn để ngăn chặn virus và tấn công luôn cả tế bào ung thư mà nó nhận diện là “ngoại lai”.
Kết luận rằng một trong những virus nguy hiểm nhất thế giới lại cứu mạng ai đó thay vì giết chết dường như vô lý. Tuy nhiên, ví dụ ở Corwall lại không phải là duy nhất.
Tháng 8/2020, trên tại chí Acta Biomedica, các bác sĩ tại Bệnh viện Cremona ở Italy ghi nhận ca bệnh 20 tuổi mắc một loại ung thư máu mà khoảng 13.000 người ở Anh mắc hàng năm.
Mặc dù điều trị nhưng bệnh ung thư của bệnh nhân này tái phát vài lần và dường như không đáp ứng hóa trị. Tuy nhiên, sau khi dương tính với COVID-19 đầu mùa xuân năm 2020, bệnh nhân chịu đựng 5 ngày kiệt quệ, sốt, ho khi cơ thể chống lại virus. Vài tuần sau, như bệnh nhân ở Cornwall, chụp cắt lớp cho thấy không còn dấu vết ung thư. Các bác sĩ cho biết mắc COVID-19 có thể đã đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân khỏi ung thư.
Trường hợp thứ ba là ở Bệnh viện Nghiên cứu Humanitas ở Milan, Italy được mô tả hồi tháng 2 trên Tạp chí Y khoa Hạt nhân và Ghi hình Phân tử châu Âu.
Mọi dấu hiệu ung thư hệ bạch huyết biến mất ở bệnh nhận COVID-19 61 tuổi nói trên. Tuy nhiên, liệu mắc COVID-19 có thực sự “chữa” ung thư bằng cách tăng cường hệ miễn dịch hay không và vaccine có tác dụng tương tự không?
Đã có vài trường hợp nhỏ lẻ trong y văn về vaccine khiến bệnh ung thư biến mất. Một ca liên quan bệnh nhân khỏi ung thư da tiến triển sau khi ông tiêm phòng bạch hầu, ho gà và uống ván. Một ca khác không còn bệnh bạch cầu sau khi tiêm phòng đậu mùa.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng các ca mà bệnh ung thư biến mất ngẫu nhiên như vậy dường như có khả năng xảy ra với ung thư máu hơn là bệnh ung thư mà bệnh nhân có khối u rắn như ung thư vú, phổi…
Một lý do có thể là ung thư hạch bạch huyết đôi khi do virus Epstein-Barr gây ra. Virus này gây viêm tuyến bạch cầu, nhưng 90% chúng ta có virus này mà không có dấu hiệu viêm nhiễm, mắc bệnh.
Trong những trường hợp hiếm, virus này dẫn tới ung thư máu và gây ra một nửa ca ung thư Hodgkin. Khi COVID-19 kích hoạt hệ miễn dịch, có thể hệ miễn dịch phát hiện ra virus Epstein-Barr trong tế bào ung thư và tấn công đồng thời cả tế bào ung thư lẫn SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ căn bệnh ung thư biến mất nhờ COVID-19 có tái phát không. Với hai trong ba ca nói trên, bệnh trở lại sau vài tuần hoặc vài tháng khi bệnh nhân khỏi COVID-19.
Câu hỏi lớn ở đây là vaccine COVID-19 có tác dụng tương tự với SARS-CoV-2 và ngăn chặn một số bệnh ung thư phát triển nặng hơn không. Giáo sư Angus Dalgleish, chuyên gia ung thư tại Bệnh viện St George ở London nói: “Có thể vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch và có thể tiêu diệt gọn khối u”.