Theo kênh CNBC (Mỹ), bà mẹ 40 tuổi có ba con này nói: “Vì một số lý do, chúng tôi rất thích trang này”.
Tyrese Childs, sáng lập viên nhóm Facebook, nói: “Từ đầu tháng 3, nhóm mà trong đó chúng tôi đều giả vờ là kiến sống theo đàn đã tăng từ 100.000 lên trên 1,7 thành viên. Số người muốn tham gia tiếp tục tăng”.
Ý tưởng rất đơn giản: Thành viên nhóm kiến đăng ảnh và video về việc làm kiến. Họ sống để phục vụ kiến chúa tưởng tượng và tìm thức ăn cho kiến chúa như vụn bánh mỳ, kẹo, kem.
Trong một bài đăng, một thành viên đăng ảnh kem màu hồng có vài con kiến bò lên trên. Người đăng đề nghị các thành viên “ăn” cùng kiến và lấy ít kem để dâng kiến chúa. Trên 18.000 thành viên “kiến” đã phản hồi về bài đăng trên.
Nhóm kiến đã trở nên tích cực tới mức Childs, 20 tuổi, và nhóm quản trị viên độ tuổi đại học đã phải đặt ra bộ quy tắc để giữ ổn định “đàn kiến”. Một số quy định gồm tôn trọng lẫn nhau, luôn phụng sự kiến chúa, không thảo luận chính trị, vấn đề con người.
Childs, sinh viên sống ở Fargo, bang Bắc Dakota cùng gia đình, nói: “Chúng tôi đã lọc mọi bài đăng liên quan COVID-19 và coi đây là cách thoát khỏi đại dịch”.
Nhóm của Childs là một trong hơn 70 nhóm Facebook đóng vai mà trong đó, thành viên giả vờ là một loạt nhân vật, từ các con ma cùng ám một ngôi nhà cho tới nhân viên làm cùng văn phòng. Quy mô nhóm từ vài trăm tới trên một triệu thành viên.
Hàng chục nhóm Facebook kiểu này ra đời từ mùa Xuân năm 2019, nhưng từ khi lệnh phong tỏa toàn cầu có hiệu lực trong tháng 3, các nhóm đóng vai kiểu này ngày càng tích cực hoạt động.
Childs nói: “Chúng tôi có nhiều đề nghị gia nhập nhóm và bài đăng chờ duyệt tới mức việc quản lý nhóm thực sự trở thành một công việc với tôi”. Childs cũng tham gia học trực tuyến trong học kỳ mùa Xuân. Anh nói: “Tôi nghĩ mọi người đang tìm kiếm thứ gì đó để làm lúc này. Bạn có thể dành nhiều thời gian trên mạng xã hội”.
Nhu cầu tham gia nhóm đóng vai gia tăng trong thời điểm khủng hoảng không phải là điều ngạc nhiên với ông Andreas Lieberoth, trợ lý giáo sư tâm lý truyền thông tại Đại học Aarhus, Đan Mạch. Ông nói việc mọi người tìm kiếm tương tác xã hội là chuyện bình thường và họ thường sẽ tìm tới mạng xã hội, trò chơi điện tử để đáp ứng nhu cầu này. Ông Lieberoth nói: “Nhóm kiến nghe có vẻ là không gian an toàn về tâm lý để tham gia mà không cần phải sợ, không có gì chính trị và không liên quan virus. Tôi không biết kiến có mắc COVID-19 không, nhưng trong đàn kiến này thì không”.
Ông Lieberoth đang nghiên cứu cách mọi người quản lý căng thẳng trong đại dịch COVID-19. Thông qua công việc, ông thấy mọi người lo lắng về ảnh hưởng xã hội nói chung và điều sẽ xảy ra với gia đình, công việc và cộng đồng. Kiến thì không có mối lo như vậy. Ông nói: “Khi thế giới ngày càng có nhiều thứ bạn không thể dự đoán, chúng ta tìm cách phớt lờ những thứ không thể kiểm soát và tìm các không gian để thư giãn, như làm vườn, đi bộ hoặc chơi trò chơi”.
Bà Sarah Lynne Bowman, Giáo trường Đại học Cộng đồng Austin ở Texas, chuyên nghiên cứu xung đột xã hội trong các cộng đồng đóng vai và đã tham gia các trò chơi đóng vai từ khi mới 15 tuổi. Bà cho rằng những nhóm Facebook đóng vai này có thể giúp mọi người đối mặt với thời điểm bấp bênh và mang lại lợi ích. Bà nói: “Đóng vai có thể giúp quản lý và ổn định cảm xúc”.
Bà Bowman cho biết mọi người tham gia nhiều hoạt động đóng vai hơn là họ nhận ra. Từ xem phim tới chơi điện tử, khi mọi người nhập vào câu chuyện của ai đó trong một thời gian ngắn, họ có thể thấu cảm và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Bà nói: “Chúng ta biết rằng ngay bây giờ, các lý tưởng về sự độc lập của phương Tây sẽ không thể giúp gì, đặc biệt là khi đối mặt với thách thức liên quan đại dịch và biến đổi khí hậu. Vì thế, tôi thấy thú vị khi cả nhóm người lại muốn ở trong một nhóm giả vờ làm đàn kiến”.
Không chỉ các nhóm Facebook đóng vai mới ngày càng phổ biến trong đại dịch. W. A. Hawkes-Robinson, người điều hành một doanh nghiệp đóng vai và một tổ chức phi lợi nhuận đóng vai, cho biết tổ chức RPG Research của ông ngày càng có nhiều người sử dụng trực tuyến. Số người sử dụng tăng 300% trong giai đoạn phong tỏa toàn cầu.
Ông Hawkes-Robinson cho rằng vùi mình vào xem video trong khi phải cách ly mang tính bị động và có thể khiến họ căng thẳng hơn thay vì cảm thấy được nạp lại năng lượng. Ông nói: “Khi chúng ta ở trong thời gian căng thẳng, chúng ta cần thời gian để giảm sức ép. Trò chơi đóng vai là lối thoát lành mạnh. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn vì bạn đang chơi trò chơi. Não bạn thích hoạt động, giống như cơ thể bạn thích tập thể dục”.
Khi nhóm kiến Facebook ngày càng có nhiều người tham gia, John Kennedy, một thành viên quản trị nhóm, cho biết anh muốn tăng cường sự hào hứng cho người tham gia, để họ làm điều gì đó tích cực trong thế giới thực.
Nhóm kiến nói trên bắt đầu bán những đồ vật lấy cảm hứng từ kiến như áo phông và các đồ lưu niệm khác. 50% lợi nhuận sẽ được tặng cho một tổ chức bảo tồn thiên nhiên.
Parker, bà mẹ tham gia nhóm cùng con trai kể trên, cho biết cô rất phấn khích khi thấy nhóm có kế hoạch quyên tiền làm từ thiện. Điều này giúp mọi người có cảm giác họ đang gây một chút ảnh hưởng nào đó. Cô nói: “Mọi người đều đang trải qua thời gian khó khăn. Cảm giác như giờ chúng ta đều là kiến, chúng ta đều mắc kẹt bên trong. Tôi nghĩ lý do chúng tôi thích nhóm này là vì nó giúp chúng tôi thư thái”.