Theo OpenSecrets - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, chi phí "vận động hành lang" của các công ty tiền điện tử trong 3 quý đầu năm 2023 đã lên tới con số kỷ lục 18,96 triệu USD, tăng so với mức chi 16,1 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Theo kết quả nghiên cứu, Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ, tiếp tục đứng đầu danh sách các công ty chi nhiều tiền nhất cho hoạt động này (2,16 triệu USD), tiếp sau là Foris DAX - công ty điều hành Crypto.com (sàn giao dịch điện tử tại Singapore), Blockchain Association và Binance Holdings.
Bà Kristin Smith, Giám đốc điều hành Blockchain Association, cho biết mục tiêu của các công ty tiền điện tử khi chi ra khoản "vận động hành lang" lớn là để được có cơ hội tiếp cận các nhà hoạch định chính sách, xây dựng các mối quan hệ và thu hẹp khoảng cách giáo dục để xây dựng một khung điều hành chung cho ngành này.
Hiện các công ty tiền điện tử đang không ngừng mở rộng các mối quan hệ ở Washington (Mỹ). Nhiều công ty đang nỗ lực khôi phục danh tiếng sau một loạt các vụ bê bối của ngành, trong đó có vụ sụp đổ của sàn FTX. Cùng với đó, các công ty cũng tìm cách ứng phó với các quy định giám sát ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) - cơ quan cho rằng ngành tiền điện tử đã phớt lờ những quy định của cơ quan này. Các công ty tiền điện tử đặc biệt gia tăng "vận động hành lang" khi SEC kiện Coinbase và Binance hồi tháng 6 vừa qua với cáo buộc không đăng ký mã token dù cả hai công ty này đều phủ nhận.
Hiện các công ty tiền điện tử đang nỗ lực vận động SEC phê duyệt kế hoạch thành lập Quỹ Hoán đổi Danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay, mở ra cơ hội để hàng triệu nhà đầu tư tiếp cận thế giới tiền điện tử.
Năm 2022, tổng giá trị tất cả các loại tiền điện tử đang lưu hành toàn cầu vào khoảng hơn 2.200 tỷ USD, với Bitcoin - đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới - chiếm khoảng 920 tỷ USD. Trong giao dịch ngày 4/12, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022, giá Bitcoin đã vượt ngưỡng 40.000 USD.