Thành phần Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII có độ tuổi trung bình khá trẻ, gồm Thủ tướng Hun Manet, 10 phó thủ tướng, 21 bộ trưởng cấp cao và 30 bộ trưởng đứng đầu các bộ, ngành, lĩnh vực của đất nước với độ tuổi bình quân trẻ. Trong số này, có 3/10 phó thủ tướng trên 60 tuổi, chỉ có 10% (3/30) nhân sự đứng đầu các bộ, ngành trung ương có tuổi đời quá 60. Trong số 10 phó thủ tướng của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới, chỉ có một nhân sự của nhiệm kỳ trước, là ông Oun Poanmonirot, 56 tuổi, được giữ lại, tiếp tục phụ trách Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính. Những nhân sự còn lại mới được bổ nhiệm chức danh phó thủ tướng kiêm nhiệm các bộ, ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước.
Theo giới chuyên gia, thành phần nội các này phù hợp với các phát biểu gần đây của Thủ tướng mãn nhiệm Samdech Techo Hun Sen, khẳng định các thành viên chính phủ nhiệm kỳ tới chủ yếu là những gương mặt mới thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ với hơn 50% có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; đồng thời đảm bảo yêu cầu trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo kế thừa kinh nghiệm của thế hệ cũ với một số vị trí được cân nhắc giữ lại, phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ bộ trưởng mới có tuổi đời trung bình dưới 60.
Ông Kong Vibol, một cử tri 53 tuổi ở phường Kraing Pongro, quận Dangkor, thủ đô Phnom Penh bày tỏ kỳ vọng và ủng hộ Quốc hội cũng như Chính phủ Campuchia khóa VII với thành phần gồm nhiều người trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đủ năng lực để thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Dưới góc độ nghiên cứu chuyên ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Neak Chandarith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Chính sách công, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP), cho rằng Tiến sĩ Hun Manet và chính phủ mới có nhiều thuận lợi với thành phần là nhiều chính khách trẻ, giàu nhiệt huyết kế tục con đường chính trị và định hướng chính sách đã được thế hệ lãnh đạo trước vạch ra. Vì vậy, theo ông, về cơ bản chính phủ mới không có sự thay đổi trong đường lối, định hướng chính trị, mà nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thực hiện định hướng và quan điểm chính trị của đất nước Campuchia trong tương lai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Neak Chandarith cũng đánh giá cao tính cách giản dị, thân thiện cũng như khả năng giao tiếp công chúng, năng lực lãnh đạo và xử lý tình huống của người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới. Những điều này đã được ông Hun Manet thể hiện qua nền tảng học vấn và quá trình công tác, nhất là những cải cách trong lĩnh vực quân đội, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, giúp Campuchia sớm mở cửa và khôi phục nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Về cơ bản, chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia trong ngắn hạn sẽ không có nhiều điều chỉnh, sẽ triển khai các chính sách và giải pháp mang tính kế tục, tiếp nối, chủ yếu tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế, gìn giữ nền hòa bình và công cuộc phát triển đất nước mà chính phủ tiền nhiệm đã gây dựng, trên cơ sở thực hiện cương lĩnh chính trị của đảng cầm quyền cũng như các cam kết đối với cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử.
Trên tinh thần đó, về định hướng tổng thể, Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII sẽ triển khai “Chiến lược Ngũ giác", với 5 định hướng trọng tâm là tập trung phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa nền kinh tế; phát triển khu vực tư nhân và tạo việc làm; phát triển kinh tế - xã hội số và phát triển bền vững bao trùm. Nói ngắn gọn, mục tiêu của Chiến lược Ngũ giác là thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, công bằng, hiệu quả và phát triển bền vững bao trùm, hướng tới tầm nhìn Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050 đối nội. Trước mắt, chính phủ mới sẽ tiếp tục quan tâm giải quyết chế độ an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; tìm hiểu thực trạng đời sống, tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhất là công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp; quyết liệt trấn áp triệt để vấn nạn buôn bán ma túy, vì một Campuchia không ma túy. Ngoài ra, ngoại giao kinh tế và thu hút đầu tư được dự báo sẽ là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, gắn liền với yêu cầu bảo vệ nền hòa bình và sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, ở tầm nhìn trung và dài hạn, giới phân tích cũng bày tỏ kỳ vọng vào những nét mới, điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Campuchia, nhất là khả năng điều hướng linh hoạt, cân bằng quan hệ với các nước lớn, cân bằng giữa phương Tây và phương Đông. Nhà báo Puy Kea, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ), nhận định nhiều khả năng chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ điều hướng chính sách đối ngoại theo hướng đa cực và linh hoạt hơn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn, các nhà phân tích, nghiên cứu bản địa đưa ra nhiều nhận định về những khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức đối với cá nhân Tiến sĩ Hun Manet và Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới, từ những góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung nổi bật từ các cuộc trò chuyện, đó là thái độ lạc quan, niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo kế tục. Họ chia sẻ niềm vui về thành công mang tính lịch sử của cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình đầu tiên trên đất nước của kỳ quan Angkor nhiều thăng trầm; đồng thời gửi gắm kỳ vọng vào những điều mới mẻ, những bước phát triển mới với nhiều đổi thay trên quê hương Chùa Tháp dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Hun Manet và thế hệ lãnh đạo kế tục trong Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới.