Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đánh giá COP29 là bước ngoặt, giúp đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. WWF đã phát động một chiến dịch mới, trong đó nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với một cột mốc đáng lo ngại: ngày nóng nhất trong lịch sử. Theo Chương trình quan sát Trái Đất Copernicus của Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu (ECMWF), 2023 đánh dấu năm nóng nhất trong lịch sử, với vô số kỷ lục mới về nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt được ghi nhận tại các quốc gia. Trong khi đó, năm 2024 tiếp tục được dự báo là sẽ thiết lập kỷ lục nắng nóng mới và xu hướng này sẽ kéo sang cả năm 2025 nếu thế giới không có hành động kịp thời. Theo những dữ liệu sơ bộ của chương trình Copernicus, ngày 21/7 (giờ châu Âu) vừa qua là ngày nóng nhất trên Trái Đất kể từ năm 1940, với mức nhiệt trung bình vượt 17 độ C.
WWF đánh giá kỷ lục đáng tiếc này càng phản ánh nhu cầu cấp thiết phải có hành động quyết liệt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo tổ chức này, việc nhiệt độ phá kỷ lục không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà có liên quan đến biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng, cháy rừng cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác thường xuyên và dữ dội hơn, đe dọa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái và con người trên toàn thế giới.
Có trụ sở tại Thụy Sĩ, WWF là một tổ chức bảo tồn độc lập, với hơn 30 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia và khu vực. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân lập tức hành động một cách quyết đoán để giảm phát thải khí nhà kính. Điều này bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bảo vệ và phục hồi rừng cũng như áp dụng các biện pháp bền vững trên tất cả các lĩnh vực.