Các nhà khoa học Mỹ cho biết, hiện tượng thời tiết La Nina tại khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương có thể là nguyên nhân chủ yếu gây ra các đại dịch cúm nguy hiểm trên thế giới.
Tiêm vắc xin phòng cúm tại một bệnh viện ở Xơun (Hàn Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN |
Giáo sư Jeffrey Shaman đến từ trường Y tế công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia và Giáo sư Marc Lipsitch ở trường Y tế công cộng Havard, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa các mô hình thời tiết và các đại dịch cúm xảy ra trong các năm 1918, 1957, 19 và 2009, bằng cách xem xét những báo cáo về nhiệt độ nước biển tại khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương vào mùa Thu và mùa Đông trước khi bốn đại dịch cúm trên xuất hiện. Họ nhận thấy rằng cả bốn đại dịch xảy ra sau khi nhiệt độ bề mặt nước biển xuống dưới mức trung bình, và trùng với thời kỳ La Nina xuất hiện. Ngoài ra, dựa trên những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng thời tiết La Nina đã làm thay đổi thói quen di cư, thời gian nghỉ, sự thích nghi và pha trộn giữa các loài khác nhau của những loài chim di cư. Những điều kiện thời tiết trên tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình trao đổi gien hay sự tái tổ hợp gien, từ đó tạo ra nhiều biến thể của các chủng virút cúm hơn.
Theo Giáo sư Samen, các đại dịch thường bắt nguồn từ những biến đổi lớn trong bộ gien của virút cúm. Hiện tượng thời tiết La Nina đã góp phần dẫn đến những thay đổi đó bằng cách tạo nên sự pha trộn chủng loại của các loài chim di cư, vốn được xem là nguồn chính chứa các mầm virút cúm nguy hiểm. Những thay đổi trong thói quen di cư của các loài chim cũng làm thay đổi cách thức tiếp xúc giữa các loài này với nhau cũng như giữa chim và các vật nuôi như lợn. Việc hoán đổi gen giữa virút cúm gia cầm và vi rút cúm ở lợn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch cúm A/H1N1 hồi năm 2009.
Nghiên cứu trên được đăng trong Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
TTXVN/Tin Tức