Chỉ số giá tiêu dùng quốc gia (NCPI) trong tháng 3/2022 đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp hơn 4 lần mức lạm phát 5,1% của một năm trước đó.
Lạm phát lương thực trong tháng 3/2022 ở mức 29,5%. Các con số này có thể còn tăng thêm khi mới đây công ty dầu khí nhà nước Sri Lanka đã tăng giá dầu diesel, thường được sử dụng trong giao thông công cộng, khoảng 64,2%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng tại Sri Lanka đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức vì quản lý yếu kém và tham nhũng.
Sri Lanka đã kêu gọi IMF hỗ trợ khẩn cấp trong tuần này. Tuy nhiên, IMF đánh giá khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD của quốc gia Nam Á này là "không bền vững" và phải được "tái cấu trúc" trước khi có bất kỳ sự trợ giúp nào.
Trong một thông báo ngày 20/4, Giám đốc quốc gia của Quỹ Masahiro Nozaki cho biết khi IMF xác định rằng nợ của một quốc gia là không bền vững, quốc gia đó sẽ cần thực hiện các bước để khôi phục tính bền vững của nợ trước khi IMF cho vay. Việc phê duyệt một chương trình do IMF hỗ trợ sẽ đòi hỏi sự đảm bảo đầy đủ rằng tính bền vững của nợ sẽ được khôi phục.
Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ nước ngoài và cho biết nguồn ngoại hối quý giá sẽ được dành để tài trợ cho thực phẩm và thuốc thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt ngoại hối dẫn đến việc nhập khẩu chậm lại, bao gồm cả các mặt hàng thiết yếu.
Các cửa hàng đã phân chia số lượng gạo, sữa bột, đường, cá lăng và cá đóng hộp bán cho người tiêu dùng.
Nền kinh tế Sri Lanka đã sụt giảm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong đó doanh thu từ du lịch cũng như lượng kiều hối của người lao động nước ngoài giảm mạnh.