Bà Park Mi-won (62 tuổi) chưa từng nghĩ mình sẽ phải mua đồ ăn trưa tại một cửa hàng tiện lợi cho đến khi giá buffet ăn trưa yêu thích của bà đã tăng 10% lên 9.000 won (160.000 đồng) trong bối cảnh lạm phát tại Hàn Quốc đạt mức kỷ lục trong 14 năm.
“Sau khi giá cả tăng vọt, tôi tới cửa hàng tiện lợi để ăn vì giá các món ăn liền ở đây phải chăng và cũng rất ngon. Một tuần tôi tới các cửa hàng từ 2 đến 3 lần”, nữ nhân viên văn phòng lớn tuổi chia sẻ.
Theo một cơ quan về nông nghiệp của Liên hợp quốc, giá lương thực thực phẩm toàn cầu trong tháng trước đã tăng 23% so với một năm trước đó. Cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc tại đây và Nga, cũng như đẩy giá phân bón, nhiên liệu lên cao.
Với những sản phẩm ăn liền như mỳ, bánh sandwich và cơm cuộn chỉ với mức giá dưới 5 USD, các cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến ưa thích đối với những người làm công ăn lương như bà Park nhằm cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25 đã chứng kiến bước nhảy vọt 30% trong doanh thu đối với thực phẩm ăn liền so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận thấy nhu cầu tăng cao, thương hiệu GS25 đã cung cấp một dịch vụ ăn trưa mới cho dân văn phòng, với mức giá chiết khấu và giao nhận tận nơi.
Các thương hiệu khác như CU và 7-Eleven cũng chứng kiến nhu cầu tăng tương tự. Tại các cửa hàng Emart24 ở những khu vực tập trung dân công sở, doanh số hộp cơm trưa đã tăng 50%.
Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh giá món ăn trong các nhà hàng tại Hàn Quốc đều tăng 7,4% so với năm ngoái, một tốc độ tăng chưa từng có trong 24 năm qua. Theo số liệu của chính phủ, giá của những “món ăn lạm phát” như súp bò ăn với cơm hay mì lạnh tăng lần lượt 12,2% và 8,1%.
Mặc dù những bữa ăn tại cửa hàng tiện lợi không thoát khỏi cảnh chi phí tăng cao song nhìn chung, các sản phẩm ở đây vẫn giữ giá ở mức phải chăng. Tại thủ đô Seoul, giá một bát mì lạnh trung bình đã vượt quá 10.000 won (183.000 đồng) trong khi một bát mì ăn liền chỉ rơi vào khoảng 1.000 won.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính với mỗi một phần trăm tăng giá các nông sản nhập khẩu, giá của thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng 0,36% trong năm tới và giá nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tiếp theo.
“Thực tế là tôi cần phải tăng giá cao hơn. Nhưng tôi nghĩ đến ví tiền của những người làm công ăn lương, nên tôi đã cắt giảm ít lợi nhuận”, Lee Sang-jae – chủ một cửa hàng canh sườn bò tại trung tâm Seoul – cho biết trong năm nay, cửa hàng anh đã tăng giá 2 lần, từ 10.000 won lên 12.000 won.
Trong một cuộc khảo sát do công ty tuyển dụng Incruit thực hiện vào tháng trước, có tới 96% trong tổng số 1.004 nhân viên công sở chia sẻ họ cảm nhận được gánh nặng trong những giờ ăn trưa. Một nửa trong số đó đang tìm cách cắt giảm chi phí ăn trưa của mình.
Tại Hàn Quốc, giờ ăn trưa được coi là cơ hội tụ tập cho các nhóm đồng nghiệp hay bạn bè. “Ăn ở cửa hàng tiện lợi rẻ hơn đi nhà hàng nhưng hạn chế ở chỗ chúng tôi không được ăn cùng nhau”, Ku Dong-hyun (28 tuổi) đang ăn cơm cuộn và mì gói tại một cửa hàng GS25 cho hay.
Trong khi nhiều cửa hàng ăn nhỏ vẫn đang hưởng lợi từ việc khách hàng tụ tập buổi tối sau nhiều tháng áp dụng các quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch COVID-19, các nhà kinh tế cảnh báo sức ép về giá tiêu dùng kéo dài sẽ đè nặng lên sức tiêu thụ.
Lee Seung-hoon, chuyên gia kinh tế trưởng tại Meritz Securities, nhận định: “Sức mua thực sự đang giảm dần trong bối cảnh sức ép lạm phát gay gắt, nhưng mọi người không muốn bỏ các bữa tụ tập buổi tối. Thay vào đó, họ cắt giảm chi phí ăn trưa. Tuy nhiên, khi tình trạng giá tiêu dùng tăng cao kéo dài, nó sẽ bắt đầu đè nặng lên mức độ tiêu dùng của cá nhân”.