Theo phóng viên TTXVN tại London, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, trong tháng 3, lạm phát giá thực phẩm tính theo năm tại Anh đạt 15%, tăng từ mức 14,5% trong tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thực phẩm tươi sống, với mức tăng 17%.
Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của BRC, nhận định sản lượng thu hoạch kém ở châu Âu và Bắc Phi khiến tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả ở Anh trở nên tồi tệ hơn, trong khi đồng bảng Anh yếu hơn đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Giá trái cây và rau trồng trái vụ trong nhà kính ở Anh và các nước Bắc Âu khác cũng bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng cao.
Bà Dickinson cũng cho biết chi phí sản xuất đường tăng cao cũng dẫn đến giá sôcôla và các loại đồ ngọt khác cao hơn, khi kỳ nghỉ lễ Phục sinh đến gần. Lạm phát giá lương thực ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo nhất vì việc mua sắm thực phẩm chiếm phần lớn hơn trong chi tiêu của họ.
Ông Mike Watkins, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và kinh doanh Insight tại NielsenIQ, cho biết áp lực lạm phát đã buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen. Theo ghi nhận của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng mua ít thực phẩm hơn và có xu hướng tìm kiếm mức giá thấp nhất.
Dữ liệu của BRC cũng cho thấy tốc độ tăng giá của thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng trong tháng 3. Vào tháng 2, lạm phát giá lương thực của Anh đạt 18,2%, mức cao nhất trong 45 năm qua, theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố tuần trước. Dữ liệu cho thấy lạm phát tại Anh tăng vọt lên 10,4% trong tháng 2, từ mức 10,1% của tháng 1. Ngân hàng trung ương Anh, vốn đặt mục tiêu lạm phát 2%, sau đó đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,25% trong nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt “không có mấy dấu hiệu lắng dịu”.