Theo số liệu chính thức được Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố ngày 22/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng từ 1,9% trong tháng 3 lên mức 2,1% trong tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ này thấp hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). ONS cho biết các yếu tố chính đẩy tỷ lệ lạm phát ở Anh lên cao trong tháng trước là do giá năng lượng và vé máy bay tăng, một phần liên quan tới sự đi lên của giá dầu.
Nhà kinh tế James Smith nhận định về nguyên tắc, số liệu trên có thể khiến BoE sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện ở mức 0,75%. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một thị trường lao động mạnh mẽ đồng nghĩa nhiều khả năng sẽ có một đợt nâng lãi suất vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, cố vấn kinh tế Howard Archer tại EY ITEM nhận định lạm phát tăng sẽ làm gia tăng sức ép đối với sức mua tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cho rằng Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE có thể sẽ không nâng lãi suất trong ngắn hạn trong bối cảnh tình hình bất ổn của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và môi trường chính trị trong nước cũng như môi trường kinh tế thế giới.
Gần 3 năm sau khi sau cuộc bỏ phiếu "gây sốc", với kết quả cử tri đồng ý để nước Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" EU hồi tháng 6/2016, Anh vẫn là thành viên EU, chính giới nước này vẫn chia rẽ sâu sắc, thậm chí bế tắc khi không thể nhất trí chi tiết cho thỏa thuận "ly hôn". Dự kiến, Quốc hội Anh sẽ lại tiến hành bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trong tuần đầu tiên của tháng 6 tới, cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Anh. Thỏa thuận này từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà May phải xin gia hạn Brexit 2 lần và hạn chót là ngày 31/10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU.