Theo Eurostat, trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đạt 2%, tăng so với mức 1,6% hồi tháng trước và vượt mức 1,9% theo dự đoán của giới phân tích. Lạm phát tăng chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 13,1% so với mức 10,4% trong tháng 4. Chi phí ngành dịch vụ cũng tăng lên mức 1,1%, tăng 0,2% so với tháng 4.
Lạm phát ở mức 2% phù hợp với mục tiêu mà ECB đề ra nhằm duy trì giá cả ổn định trong Eurozone. Trong hai tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này chỉ là 0,9%, nhưng sau đó duy trì đà tăng lần lượt lên mức 1,3% và 1,6% trong tháng 3 và tháng 4.
Phó Chủ tịch Ken Wattret của IHS Markit đánh giá đây là tốc độ tăng tỷ lệ lạm phát nhanh nhất tại Eurozone mà Eurostat từng ghi nhận. Theo ông, xu hướng này xuất phát từ đà phục hồi của giá dầu thô, việc Đức chấm dứt chương trình tạm thời giảm thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh tỷ trọng từng nhóm hàng hóa trong "rổ hàng hóa" của chỉ số giá tiêu dùng và thời gian bán hàng bị thay đổi do đại dịch COVID-19.
Lạm phát của Eurozone tăng trở lại sau 5 tháng liên tiếp (kết thúc vào tháng 12/2020) rơi xuống dưới 0%. Tháng 3 vừa qua, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia ING, Charlotte de Montpellier, dự báo tỷ lệ lạm phát ở Eurozone sẽ tiếp tục tăng ít nhất là đến mùa Hè này khi nền kinh tế mở cửa trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của ECB, cùng với Chủ tịch Christine Lagarde, đã ngụ ý rằng xu hướng lạm phát gia tăng chỉ là hiện tượng tạm thời và dự báo xu hướng này sẽ biến mất trong 12 tháng tới. Họ lập luận rằng điều này cho thấy chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ECB vẫn còn phù hợp.
* Nền kinh tế Canada bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 bất chấp xu hướng gia tăng đầu tư vào thị trường nhà ở.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Cơ quan Thống kê Canada cho biết theo ước tính sơ bộ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm 0,8% trong tháng 4. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4 năm ngoái, trong bối cảnh nhiều tỉnh bang buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để khống chế đà lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, tác động của làn sóng dịch bệnh thứ hai ít nghiêm trọng hơn và GDP thực tế tăng 5,6% trong quý I/2021.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định đà phục hồi của nền kinh tế sẽ tăng tốc vào mùa Hè này khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp hạn chế được nới lỏng, cho phép người tiêu dùng chi tiêu một phần số tiền đã tích lũy trong 15 tháng qua. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Montreal, ông Doug Porter nhận định xét tổng thể, nền kinh tế Canada đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng khi mới mở cửa trở lại một phần và sẽ tiếp tục xu hướng này trong những tháng tới.
Thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế, với đầu tư vào nhà ở tăng 9,4% trong quý I/2021. Theo Cơ quan Thống kê Canada, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do thị trường việc làm được cải thiện, thu nhập của người lao động cao hơn và tỷ lệ thế chấp thấp. Tiêu dùng được cho sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới. Chi tiêu thực tế của hộ gia đình đã tăng 0,7% trong quý này, nhưng vẫn giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự kết hợp của 3 yếu tố - thu nhập tăng lên, sự hỗ trợ của chính phủ và có ít nơi để chi tiêu hơn - đã khiến người dân Canada có được khoản tiết kiệm dồi dào. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã tăng từ mức 11,9% của quý cuối cùng năm ngoái lên mức 13,1% trong quý đầu năm nay. Tỷ lệ tiết kiệm trung bình hộ gia đình tại Canada trong giai đoạn 2015-2019 là 2,1%.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Sri Thanabalasingam thuộc Ngân hàng Toronto-Dominion nhận định mặc dù có sự chậm lại trong tháng 4, triển vọng kinh tế Canada vẫn khá tươi sáng. Tốc độ tiêm chủng tăng lên, số ca mắc mới COVID-19 giảm và nhiều khu vực đang triển khai những bước đi đầu tiên hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế..., tất cả những yếu tố này sẽ tạo tiền đề cho nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.