Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra thận trọng rằng các công cụ mà Tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong cuộc chiến chống lạm phát lại rất hạn chế với mức độ thành công còn bỏ ngỏ.
Những lời trấn an
Trong bài phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng vào hôm 10/5, Tổng thống Biden bày tỏ thông cảm với tình hình khó khăn của các hộ gia đình Mỹ và cam kết tăng gấp đôi nỗ lực của mình để giải quyết tình trạng đó. Ông đồng thời đưa ra chương trình nghị sự của mình – dù hầu hết trong số đó đang bị đình trệ tại Quốc hội - để giảm bớt gánh nặng lạm phát cho người dân Mỹ bình thường. Các kế hoạch bao gồm tăng thuế đối với những người siêu giàu có, mở rộng Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch cũng như giao thông vận tải mới.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng xung đột tại Ukraine là lí do chính khiến giá cả tại Mỹ tăng vọt. Cuộc xung đột bùng phát vào cuối tháng Hai đã đẩy giá năng lượng leo thang phi mã, và sau đó bắt đầu đẩy giá thực phẩm lên cao hơn.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng "phàn nàn" đảng Cộng hòa như một phần lí do cho những thách thức kinh tế của quốc gia, viện dẫn một kế hoạch được đưa ra trong năm nay của Thượng nghị sĩ Rick Scott về mức thuế thu nhập liên bang tối thiểu.
Hiện khoảng một nửa người dân Mỹ không đóng thuế thu nhập liên bang vì lương của họ không đủ cao theo luật định. Ông Biden cho rằng đảng Cộng hòa theo đuổi một chương trình nghị sự sẽ tăng thuế đối với các cử tri thuộc tầng lớp lao động thay vì tầng lớp 1% giàu nhất nước Mỹ.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng trấn an người dân Mỹ rằng Fed đang hành động để giảm bớt áp lực lạm phát, điều mà ông gọi là "thách thức hàng đầu" đối với nền kinh tế.
Fed hồi tuần trước đã công bố mức tăng lãi suất chuẩn lớn nhất kể từ năm 2000 và là lần tăng thứ hai trong năm nay, khi ngân hàng trung ương này đang nỗ lực hành động để nhanh chóng thu hẹp các biện pháp kích thích được đưa ra trong thời kỳ đại dịch.
“Kho vũ khí” hạn chế
Bất chấp những lời cam kết và trấn an của ông chủ Nhà Trắng, giới chuyên gia tỏ ra thận trọng về những biện pháp khả thi mà ông Biden có thể thực hiện.
Một yếu tố góp phần lớn vào lạm phát tại Mỹ là giá xăng tăng – chủ yếu cũng do giá “vàng đen” lên cao và liên tục quanh mức hơn 100 USD/thùng. Ông Devin Gladden, Giám đốc phụ trách các vấn đề liên bang tại AAA cho biết, việc tăng giá dầu trong tháng này phần lớn là phản ứng trước thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về khả năng khối này ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm. Động thái của châu Âu có tác động đến thị trường thế giới lớn hơn nhiều so với bất kỳ biện pháp ngắn hạn nào mà chính quyền Tổng thống Biden có thể thực hiện để kiếm chế giá xăng.
Bên cạnh đó, đây không chỉ là vấn đề của việc tăng thêm nguồn cung dầu thô cho thị trường để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Nga. Ông Kevin Book, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng ClearView Energy Partners, cho biết khả năng lọc dầu của Mỹ đã giảm đi khi các cơ sở cũ hơn, bẩn hơn, kém hiệu quả hơn đã được thay thế bằng các thiết bị lọc dầu đời mới hơn. Theo ông, năng lực lọc dầu hiện tại của nước Mỹ đã kém hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao, nhất là sau giai đoạn gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 đã tăng thêm các thách thức năng lượng đối với Mỹ. Trong thời kỳ đầu của dịch, nhu cầu đã có lúc giảm xuống rất thấp đến mức có thời điểm dầu được giao dịch với giá 0 USD/thùng. Điều đó, kết hợp với sự không chắc chắn của thị trường năng lượng khi Mỹ và châu Âu chạy đua để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, khiến các công ty dầu mỏ có ít động lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các giếng khoan mới đầy tốn kém. Và việc xây dựng mới cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Các biện pháp khắc phục khác có thể giúp ích đôi chút ngay bây giờ lại không phù hợp về mặt chính trị. Ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của dịch vụ theo dõi giá GasBuddy cho biết, một trong số các biện pháp đó là Chính phủ Mỹ nới lỏng các quy định về môi trường đối với xăng dầu trong những tháng mùa Hè ở các khu vực đô thị lớn. Ông nói rằng việc tạm dừng các yêu cầu về việc sử dụng các loại hỗn hợp xăng sạch hơn ở những nơi này có thể làm giảm giá từ 20-40 xu/gallon xăng (1 gallon = 3,78 lít).
Chính sách ưu đãi thuế để giảm giá xăng là một lựa chọn khác thuộc nhóm này. Tuy nhiên, nó sẽ gửi một tín hiệu giả tạo cho người tiêu dùng rằng giá đang giảm và họ có thể lái xe nhiều hơn, trong khi thực tế là nguồn cung vẫn eo hẹp. Ngoài ra, chính sách đó còn đoạt mất khoản kinh phí cần thiết cho xây dựng tu sửa đường xá.
Việc thúc giục các bang giảm giới hạn tốc độ cũng có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm xăng. Nhưng các động lực chính trị lại không đủ lớn để thúc đẩy chính sách đó. Nhìn chung, những biện pháp trên thường đi kèm sự hy sinh về môi trường nhưng chỉ có tác dụng rất hạn chế và sẽ khó được đón nhận.
Trong buổi họp báo ngày 10/5, ông Biden cũng cho biết đang “xem xét cách thức tốt nhất” để giảm các mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Trump áp đặt, nhưng lưu ý hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Các quan chức chính quyền Biden vẫn “dậm chân tại chỗ” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong nhiều tháng về việc nới lỏng thuế quan và đến nay vẫn chưa công bố một bước đột phá nào.
Việc dỡ bỏ các biện pháp này có thể sẽ mang lại rủi ro chính trị cho Nhà Trắng, vốn không muốn bị coi là yếu thế trước Trung Quốc. Nhưng ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết việc dỡ bỏ thuế quan là một trong số ít những biện pháp ông Biden có thể thực hiện để giải quyết trực tiếp vấn đề lạm phát. Dù vậy, các phân tích trước đây của Nhà Trắng phát hiện rằng động thái đó có tác động khá nhỏ đến việc kiểm soát giá.