Những ngày này, dư luận đang xôn xao với thông tin CHDCND Triều Tiên sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3. Một câu hỏi được mọi người quan tâm là làm thế nào mà biết được Triều Tiên đã thử hạt nhân ? Hãng tin Pháp AFP cho biết, chì cần vài phút sau vụ thử, giới khoa họa trên thế giới đã có thể nắm được thông tin nhờ các hệ thống phát hiện động đất, phát hiện sóng âm và cảm biến dấu vết của vật liệu hạt nhân trong không khí.
Dưới đây là những phương pháp hàng đầu được các nhà khoa học sử dụng:
Phát hiện động đất: Đây là cách phát hiện một vụ thử hạt nhân nhanh nhất và hiệu quả nhất. Sóng địa chấn sau vụ thử có thể lan ra với tốc độ 5 dặm (8 km)/giây.
Theo thống kê của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ (NRC), số lượng các trạm phát hiện động đất được xác nhận đạt cấp quốc tế đã tăng mạnh từ vỏn vẹn con số 3 vào tháng 10/2000 lên tới 264 trạm vào tháng 2/2011, tức là 90% Trái đất đã nằm trong tầm kiểm soát của hệ thống này. Trong đó, các trạm phát hiện động đất gần Triều Tiên nhất nằm ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các hệ thống phát hiện động đất ở khu vực có thể phát hiện được những vụ nổ có sức công phá tương đương 0,02 kiloton (20 tấn) thuốc nổ TNT. Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006 được cho là tương đương với trận động đất mạnh 4,1 độ Richter và có sức công phá chưa đến 1 kiloton; vụ thử hạt nhân thứ 2 năm 2009 tương đương với trận động đất 4,5 độ Richter và có sức công phá tương đương một vài kiloton.
Phát hiện dấu hiệu nuclit phóng xạ: Trong kỹ thuật cực kỳ nhạy cảm này, các nhà khoa học sử dụng các thiết bị để phát hiện hạt nhân của vật liệu nổ đã thấm qua đất hoặc thoát vào bầu khí quyền. Sau đó, giới chuyên môn dùng mô hình chuyển động khí quyển để xác định nguồn gốc phát ra của nuclit phóng xạ. Phương pháp này thường được sử dụng trong ngày thứ 2 sau vụ thử hạt nhân để loại bỏ khả năng về một vụ thử hóa học lớn. Tính đến giữa năm 2010, trên thế giới có khoảng 80 trạm phát hiện nuclit phóng xạ đạt chuẩn quốc tế.
Công nghệ thủy âm học và phát hiện siêu âm: Sóng siêu âm, mà tai người không thể nghe được, có tần số từ 0,01 – 10 Hz, chủ yếu được tạo ra từ những vụ nổ trên không hoặc trong lòng đất. Công nghệ thủy âm học có thể phát hiện các vụ nổ hạt nhân ở trong hoặc gần những khu vực có nước bằng cách theo dõi sóng âm di chuyển trong cột nước. Các vụ nổ trong nước có sức công phá tương đương 0,01 kiloton ở hầu hết các đại dương trên thế giới đều có thể bị phát hiện bằng phương pháp này.
NRC cho biết, nếu năm 2000, trên thế giới chỉ có duy nhất 1 trạm sử dụng công nghệ thủy âm học và phát hiện siêu âm, thì đến năm 2010 đã tăng lên 11 trạm và năm 2011 là 43 trạm, tức là “bao phủ” 80% diện tích bề mặt Trái đất.
Vệ tinh, máy bay Mỹ: Năm 1947, lần đầu tiên Không lực Mỹ được giao nhiệm vụ giám sát các vụ thử hạt nhân trên toàn thế giới và đến nay gần 1.000 nhân viên Trung tâm ứng dụng công nghệ Không lực Mỹ (AFTAC) đang tiếp tục công việc này.
Máy bay WC-135 của Mỹ. Ảnh: Internet. |
AFTAC sử dụng máy bay WC-135 để phát hiện các mảnh vỡ phóng xạ phát ra từ những vụ nổ hạt nhân, sau đó bay đến các các khu vực có bụi phóng xạ, thu thập mẫu hạt nhân đưa về phòng thí nghiệm phân tích.
Cũng có thể sử dụng vệ tinh để phát hiện các vụ thử hạt nhân trong vũ trụ hay bầu khí quyển bằng cách thu thập dữ liệu về xung điện từ, chớp sáng và phóng xạ hạt nhân.
A.M (Theo AFP)