Trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ vụ thảm sát tại Israel ngày 7/10, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar ngày 25/12 vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn trong cuộc chiến kéo dài hơn hai tháng qua.
Trong thông điệp gửi tới ban lãnh đạo chính trị của Hamas, ông Sinwar thừa nhận lực lượng này đang phải đối mặt với một “cuộc chiến khốc liệt, bạo lực và chưa từng có” chống lại Israel. Nhưng ông cũng tuyên bố rằng nhóm này đang trên đà “đè bẹp” Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Ông khẳng định sẽ không đầu hàng hay tuân theo các điều kiện do phía Israel đặt ra.
Thủ lĩnh Hamas tại Gaza cho biết Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, đã nhắm mục tiêu hơn 5.000 binh sĩ và sĩ quan Israel, và giết chết khoảng một phần ba trong số họ - tức là hơn 1.500 người.
Tuy nhiên, phía IDF đã bác bỏ tuyên bố trên. Họ thông báo số binh sĩ thương vong chỉ bằng 1/10 con số mà ông Sinwar cáo buộc. Theo IDF, cho đến nay đã có 156 binh sĩ thiệt mạng trong chiến dịch trên bộ ở Gaza. Ngoài ra, hơn 300 thành viên của lực lượng an ninh này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công dữ dội đầu tiên của Hamas vào ngày 7/10.
Ông Sinwar nói thêm rằng Hamas đã phá hủy hoàn toàn hoặc một phần 750 xe quân sự của Israel. Trong khi IDF chưa cung cấp số liệu chính thức, chỉ huy Quân đoàn Bảo trì và Công nghệ IDF, Tướng Ariel Shima cho biết vào đầu tháng 11 rằng rất ít phương tiện của IDF bị hư hỏng nghiêm trọng và hầu hết các phương tiện bị trúng đạn đều đã quay trở lại chiến đấu.
Thông báo của thủ lĩnh Yahya Sinwar được đưa ra khi lực lượng này phải đối mặt với áp lực quân sự ngày càng tăng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định IDF đã dần dần đạt được các mục tiêu của mình ở phía Bắc Gaza và đang tiếp tục hoạt động ở khu vực Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza.
Bộ trưởng Gallant còn đưa ra một lời đe dọa cá nhân nhằm vào thủ lĩnh Sinwar, nói rằng nhân vật này sẽ sớm đối mặt với nòng súng của IDF.
Ngày 23/12, người đứng đầu Bộ Chính trị của Hamas Ismail Haniyeh đã trở về Qatar từ Cairo để thảo luận với các quan chức khác về đề xuất ngừng bắn kéo dài hai tuần của Ai Cập. Qua đó, lệnh ngừng bắn này có thể trở thành vĩnh viễn nếu Hamas cho phép chính quyền của người Palestine nắm quyền kiểm soát Gaza, cũng như dần dần thả tất cả con tin Israel để đổi lấy việc thả một số tù nhân Palestine nhất định.
Một số dấu hiệu cho thấy Israel đã không thẳng thừng từ chối đề xuất này.
Kế hoạch gồm ba giai đoạn của Ai Cập sẽ bắt đầu bằng việc tạm dừng giao tranh trong hai tuần, có thể kéo dài đến ba hoặc bốn tuần, để đổi lấy việc thả 40 con tin Israel - phụ nữ, trẻ vị thành niên và đàn ông lớn tuổi, đặc biệt là những người ốm yếu.
Đổi lại, Israel sẽ thả 120 tù nhân Palestine. Trong thời gian này, xung đột sẽ chấm dứt, xe tăng của Israel sẽ rút lui và hàng hóa viện trợ nhân đạo được tiến vào Gaza.
Giai đoạn thứ hai sẽ chứng kiến một cuộc đàm phán về nhà nước Palestine do Ai Cập làm trung gian, nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái Palestine - chủ yếu là Chính quyền Palestine do đảng Fatah lãnh đạo và phong trào Hamas thống trị. Sau đó, dẫn đến việc thành lập một chính phủ ở Bờ Tây và Gaza nhằm giám sát việc tái thiết Dải Gaza, cũng như mở đường cho các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống của người Palestine.
Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn toàn diện, thả tự do cho các con tin Israel còn lại, bao gồm cả binh lính, để đổi lấy một số lượng tù nhân Palestine đã được xác định, bao gồm cả những người bị bắt sau ngày 7/10 và bị kết án tội khủng bố nghiêm trọng.
Giao tranh nổ ra sau khi Hamas tiến hành cuộc đột kích xuyên biên giới Israel vào ngày 7/10. Hàng ngàn tay súng đã xông vào Israel, giết chết khoảng 1.200 người, hầu hết là thường dân, và bắt giữ khoảng 240 con tin. Đáp lại, Israel đã phát động một chiến dịch trên không và một chiến dịch trên bộ nhằm loại bỏ Hamas khỏi Dải Gaza.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tối 24/12 nhắc lại quan điểm lâu dài của ông rằng cuộc tấn công ở Gaza sẽ không dừng lại cho đến khi Hamas bị tiêu diệt. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh ba trọng tâm trong chiến dịch của Israel là tiêu diệt Hamas, xóa bỏ quyền lực của tổ chức này tại Gaza và giải cứu con tin.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng hoàn toàn trước Hamas. Đó là cách duy nhất để đưa các con tin trở về, loại bỏ Hamas và đảm bảo rằng Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel”, ông Netanyahu nhấn mạnh.
Ông Netanyahu cũng thừa nhận về tổn thất nặng nề mà cuộc chiến với Hamas đã gây ra cho các binh sĩ IDF. Nhưng IDF sẽ không dừng lại cho đến khi giành được chiến thắng.
Người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea, được cho là đã gặp hai lần với các quan chức cấp cao của Qatar và Mỹ. Họ đã thảo luận về việc thả các tù nhân an ninh cấp cao của Palestine, trong đó có cả một số người đã thực hiện các cuộc tấn công vào người Israel. Tuy nhiên, đề xuất này đang bị một số thành viên cấp cao khác trong chính phủ phản đối.
Tuần trước, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben Gvir tuyên bố sẽ củng cố chính phủ nếu chiến dịch Gaza bị dừng lại trước khi Hamas bị tiêu diệt. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, người đứng đầu đảng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Tôn giáo, cũng phản đối quan điểm trả tự do cho các tù nhân cấp cao.
Về phần mình, Hamas nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán về một lệnh ngừng bắn và thả con tin khi giao tranh tiếp diễn.
Israel đang phải chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng về vấn đề ngừng bắn do số dân thường thiệt mạng gia tăng ở Gaza. Hội đồng An ninh Quốc gia Liên hợp quốc hôm 22/12 đã thông qua một nghị quyết, sau các cuộc đàm phán kéo dài nhằm tránh việc Mỹ thực hiện quyền phủ quyết, song trong đó không yêu cầu ngừng bắn.
Cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành tuyên bố hơn 20.000 người đã thiệt mạng ở dải đất này trong cuộc giao tranh qua. Trong khi đó, Israel cho biết đã tiêu diệt khoảng 8.000 thành viên Hamas ở Gaza. 1.000 tay súng Hamas khác đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công ở Israel ngày 7/10.