Theo báo The Hill, với 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn đề cử bà Ketanji Brown Jackson làm nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử Tòa án Tối cao Mỹ.
Bên cạnh sự ủng hộ của các Thượng nghị sĩ Dân chủ, bà Ketanji Jackson đã nhận được lá phiếu tán thành mang tính quyết định của ba Thượng nghị sĩ Cộng hòa gồm Susan Collins (đại diện tiểu bang Maine), Lisa Murkowski (tiểu bang Alaska) và Mitt Romney (tiểu bang Utah).
Chủ trì phiên bỏ phiếu lịch sử phê chuẩn bà Jackson là Phó Tổng thống Kamala Harris, người giữ cương vị Chủ tịch Thượng viện và cũng là nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Đây được coi là một thắng lợi chính trị đầy ý nghĩa của Tổng thống Joe Biden.
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ca ngợi đây là một ngày quan trọng và đột phá. “Trong lịch sử 233 năm của Tòa án Tối cao Mỹ, chưa bao giờ một phụ nữ da màu giữ cán cân công lý. Ketanji Brown Jackson sẽ là người đầu tiên và tôi tin rằng bà là người đầu tiên trong số nhiều người tiếp theo", Thượng nghị sĩ Schumer nói.
Bà Ketanji Jackson sẽ tiếp quản chiếc ghế thảm phán Tòa án Tối cao của ông Stephen Breyer, người sẽ về hưu vào mùa Thu tới. Bà sẽ trở thành nữ thẩm phán thứ 4 tại Tòa án Tối cao Mỹ hiện nay.
Ông Stephen Breyer, năm nay 83 tuổi và là thẩm phán thâm niên nhiều thứ hai của Tòa án Tối cao Mỹ, quyết định sẽ nghỉ hưu từ tháng 9 tới. Việc thẩm phán Breyer nghỉ hưu giúp Tổng thống Joe Biden có cơ hội đầu tiên để đề cử một thẩm phán mới vào Tòa án Tối cao Mỹ. Người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, trong 4 năm lãnh đạo Nhà Trắng đã đề cử thành công tới 3 thẩm phán Tòa án Tối cao và đó đều là những người theo đường lối bảo thủ.
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2020, ông Biden từng cam kết giới thiệu một gương mặt nữ da màu vào Tòa án Tối cao. Kết quả bỏ phiếu mang tính lịch sử của Thượng viện Mỹ ngày 7/4 đã giúp Tổng thống Biden hoàn thành một trong những cam kết tranh cử nổi bật của mình.
Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp và quyền tài phán chung thẩm đối với mọi vấn đề tố tụng liên bang. Dù cơ cấu chỉ có 9 thẩm phán, song Tòa án Tối cao là một nhánh quyền lực rất quan trọng. Người dân Mỹ dành tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng cho các thẩm phán Tòa án Tối cao vì họ coi đó là “những người gác cổng, giải thích Hiến pháp, những người gánh trên vai trách nhiệm suốt đời bảo vệ công lý và lẽ phải”.
Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và làm việc với nhiệm kỳ trọn đời. Việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao từ trước tới nay luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và chính giới Mỹ.